Thách thức, kỳ vọng trước thềm COP28

.

Dù xung đột Nga-Ukraine hay gần đây giữa Hamas và Israel làm nóng dư luận nhưng không vì thế mà làm lu mờ hội nghị thượng đỉnh các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28).

Sự kiện này diễn ra tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) với chủ đề: “Gắn kết-hành động-hiệu quả”. Bản đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) đầu tiên về tiến trình khí hậu chỉ rõ các quốc gia còn cách bao xa mới đáp ứng cam kết theo Hiệp định Paris năm 2015, từ đó mở đường cho một số điều chỉnh trong kế hoạch khí hậu của các nước để đưa thế giới trở lại đúng hướng trên con đường bảo vệ hành tinh xanh.

Ông Johan Rockstrom, Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu, nhấn mạnh, COP28 là cơ hội cuối cùng đưa ra cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Các nền kinh tế lớn, gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), nên giải quyết khủng hoảng khí hậu bởi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,50C là “không thể thương lượng”.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres khẳng định, COP28 phải là nơi để khẩn trương thu hẹp khoảng cách về tham vọng khí hậu. Các chính phủ không những phải nhất trí hành động khí hậu mạnh mẽ hơn mà còn phải bắt đầu chỉ ra chính xác cách thực hiện chúng bởi trái đất đã chuyển từ giai đoạn ấm lên sang “kỷ nguyên nung nóng toàn cầu”.

Với mong muốn trở thành khu vực đi đầu mục tiêu ‘‘Giã từ năng lượng hóa thạch’’, nhiều nước thành viên thuộc EU như Đức, Pháp, Ý dự kiến thúc đẩy thỏa thuận đầu tiên trên thế giới để loại bỏ sử dụng than, dầu và khí đốt toàn cầu. EU đang gồng mình vượt qua khủng hoảng năng lượng tồi tệ để loại bỏ hoàn toàn các nhiên liệu đốt cháy, nhất là than đá, mà không thu hồi và lưu trữ carbon. Dù vậy, thỏa thuận đó có thể vấp phải sự phản đối của một số nước và khối đàm phán, gồm các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch lớn như Saudi Arabia và các nước đang phát triển, vốn dựa vào nhiên liệu hóa thạch để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, tâm điểm chú ý đang đổ dồn về vai trò và trách nhiệm của Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời có lượng khí thải khổng lồ. Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden vắng mặt tại sự kiện COP28 cũng làm dấy lên hoài nghi, lo lắng.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp với ông Tập Cận Bình vào ngày 15-11, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC), ông Biden cho biết: “Những thách thức toàn cầu nghiêm trọng mà chúng ta phải đối mặt, từ biến đổi khí hậu đến chống ma túy và kiểm soát trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi những nỗ lực chung của chúng ta”. Tín hiệu tích cực nói trên có thể xuất phát từ cuộc gặp trước đó giữa Đặc phái viên của Trung Quốc về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa với người đồng cấp Mỹ John Kerry. Tại đây, hai bên thảo luận tăng cường thực hiện, tham vọng và nỗ lực thúc đẩy COP28 thành công.

Bà Rachel Cleetus, Giám đốc phụ trách chính sách năng lượng và khí hậu của Liên minh Các nhà khoa học Mỹ, cho biết, cuộc gặp này là dấu hiệu đáng khích lệ đối với COP28, và đây có thể là cơ hội để tạo đột phá về thỏa thuận hợp tác liên quan ứng phó biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, vấn đề gai góc khác là việc triển khai quỹ “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu, thành tựu của hội nghị COP 27 tại Ai Cập năm 2022. Thực tế, đến nay vẫn còn thiếu kế hoạch triển khai chi tiết. Năm nay, hàng loạt thảo luận được tổ chức để thống nhất những điểm cơ bản như cấu trúc, bên hưởng lợi và bên đóng góp, vấn đề mà các nước giàu có và các nước phương Nam rất quan tâm. Sau nhiều phiên thảo luận kéo dài, tranh cãi gay gắt, khối các nước giàu và các nước phương Nam đạt thỏa hiệp sơ bộ về quỹ đền bù ‘‘tổn thất và thiệt hại’’ trong phiên họp ngày 4-11, mở đường cho thỏa thuận chính thức tại COP28.

Trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu năm 2023 được dự báo chắc chắn sẽ ở mức cao nhất trong nhiều năm qua, COP28 kỳ vọng mang tính bước ngoặt để cộng đồng quốc tế đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng công bằng, trật tự và bình đẳng; ổn định tài chính khí hậu; đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của con người làm trọng tâm của hành động khí hậu; đồng thời nỗ lực đưa COP28 thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.