Động lực kết nối ASEAN - Nhật Bản

.

Quan hệ đối tác đối thoại giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Nhật Bản bắt đầu thiết lập vào năm 1973. Năm 1977, ông Takeo Fukuda là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ hai tại Malaysia. Cùng năm đó, trong chuyến thăm Philippines, Thủ tướng Fukuda công bố Học thuyết Fukuda lịch sử, vạch ra các nguyên tắc cơ bản trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản đối với ASEAN.

Kể từ đó, chính sách ngoại giao “từ trái tim đến trái tim” của Thủ tướng Fukuda trở thành điểm tựa cho quan hệ ASEAN - Nhật Bản. Đáng chú ý, từ sau năm 2000, Nhật Bản và ASEAN ký kết các hiệp định đối tác kinh tế song phương, hiệp định đầu tư song phương và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN -
Nhật Bản (AJCEP)..., qua đó tạo hành lang pháp lý rộng mở cho tiến trình thúc đẩy hợp tác kinh tế ngày càng phát triển mạnh mẽ cũng như duy trì ổn định quan hệ.

Đánh dấu chặng đường hợp tác suốt nửa thế kỷ, từ ngày 16 đến 18-12, hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Nhật Bản diễn ra tại Tokyo (Nhật Bản) dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Tại sự kiện, các nhà lãnh đạo Nhật Bản và ASEAN nhất trí mở rộng quan hệ kinh tế và an ninh; đồng thời công bố khởi động sáng kiến mới cho công nghiệp ô-tô thế hệ tiếp theo để xác định chiến lược giúp ASEAN tiếp tục là trung tâm lớn về sản xuất và xuất khẩu ô-tô.

Trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, trọng tâm của hợp tác sẽ là “cùng tạo dựng”. Cả hai bên sẽ tăng cường kết nối thông qua đầu tư cơ sở hạ tầng chất lượng, phát triển và trao đổi thể chế và nguồn nhân lực; đồng thời cải thiện tính bền vững của chuỗi cung ứng. Giao lưu nhân dân sẽ được tăng cường trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, thể thao. Trong giáo dục, các chương trình học bổng và trao đổi sinh viên/giáo viên sẽ được mở rộng.

Thúc đẩy số hóa và hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cũng như hỗ trợ đổi mới trong các doanh nghiệp, gồm các công ty vừa và nhỏ và các công ty khởi nghiệp, cũng là những lĩnh vực hợp tác được đẩy mạnh. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy kinh tế khu vực vốn được đánh giá phát triển nhanh và hỗ trợ các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số, cũng như tăng cường đầu tư công và tư nhân, để đạt mục tiêu trung hòa carbon.

Thủ tướng Kishida và các đối tác ASEAN đã đưa ra “Tuyên bố Tầm nhìn chung” và kế hoạch thực hiện các lĩnh vực hợp tác trong tương lai, trong đó cam kết tăng cường hợp tác an ninh hàng hải, bảo đảm chuỗi cung ứng, thúc đẩy sử dụng năng lượng bền vững và mở rộng giao lưu nhân dân trong nhiều lĩnh vực. ASEAN và Nhật Bản cũng nhấn mạnh hợp tác về an ninh hàng hải. Nội dung tuyên bố chung nêu rõ: “Tăng cường đối thoại và hợp tác để duy trì an ninh, an toàn hàng hải, trật tự hàng hải trên cơ sở thượng tôn pháp luật, gồm tự do, an toàn hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở”.

Hai bên sẽ nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải cũng như hợp tác giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và cơ quan thực thi pháp luật liên quan, tăng cường hợp tác xây dựng năng lực hàng hải và bảo đảm giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế. Bên cạnh đó, hai bên nhất trí hợp tác giải trừ vũ khí và không phổ biến vũ khí hạt nhân, hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Các nhà lãnh đạo ASEAN và Nhật Bản đánh giá cao những bước tiến tuyệt vời trong quan hệ song phương suốt nửa thế kỷ qua và nhất trí ra “Tuyên bố Tầm nhìn chung” để nâng tầm quan hệ hợp tác trải rộng trên nhiều lĩnh vực dựa trên 4 trụ cột: đối tác vì hòa bình và ổn định, đối tác vì sự thịnh vượng, đối tác vì chất lượng cuộc sống và đối tác “từ trái tim đến trái tim”. Trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang biến động phức tạp, khó lường, quan hệ ASEAN - Nhật Bản còn phải đối mặt với nhiều thách thức, song với truyền thống tốt đẹp và sự tin cậy lẫn nhau đã được thử thách qua thời gian, đấy là tín hiệu tích cực, là động lực cho sự kết nối và phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn, bền vững hơn!

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.