Cuộc chiến về tài sản phong tỏa

.

Bên cạnh cuộc đối đầu về xung đột ở Ukraine, Nga và phương Tây đang đáp trả nhau trong cuộc chiến khác không kém phần cam go về bao vây, cấm vận, trừng phạt, phong tỏa tài sản lẫn nhau.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO đã xác định và giải trình các tài sản được cho thuộc về các cá nhân, tổ chức có liên hệ với Chính phủ Nga tại các nước thành viên REPO. Giá trị ước tính của số tài sản này lên đến hơn 280 tỷ USD, phần lớn được đặt tại các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Ngày 8-11, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O’Brien cho biết, Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) trước đó xác nhận Nga phải trả chi phí tổn thất cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Số tài sản bị phong tỏa của Nga ở phương Tây sẽ không được trả lại cho đến khi nước này chi trả chi phí tổn thất này.

Thậm chí trước đó, Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Mỹ xem xét dự luật được giới thiệu bởi nhóm nghị sĩ của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cho rằng Nga phải “chịu trách nhiệm về gánh nặng tài chính trong quá trình tái thiết Ukraine” và trao cho Tổng thống Mỹ quyền “tịch biên” các tài sản của Nga đang bị phong tỏa ở Mỹ, gồm cả tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Theo Politico, giới lãnh đạo EU cũng ủng hộ hành động chưa từng có nhằm sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga ở nước ngoài để tái thiết Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 10-2023.

Trong khi đó, một số chính phủ ở châu Âu lo ngại sẽ xuất hiện những rủi ro đối với thị trường tài chính từ hành động trên. Nỗi sợ hãi này đang có nguy cơ làm phức tạp thêm kế hoạch của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào cuối năm nay. Chẳng hạn, Bỉ giữ phần lớn tài sản nhà nước Nga bị đóng băng ở EU khi xung đột ở Ukraine nổ ra. Chính phủ Bỉ có khả năng sẽ không đồng ý sử dụng số tài sản này để tái thiết Ukraine nếu các nước G7 còn lại không thực hiện bước đi tương tự như EU. Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho biết: “Chúng tôi cùng với các nước G7 và Ủy ban châu Âu đang muốn tìm giải pháp cơ cấu tài sản bị phong tỏa mà không gây bất ổn hệ thống tài chính quốc tế”.

Trước động thái của phương Tây, Nga không chùn bước mà có nhiều động thái đáp trả quyết liệt hơn. Tổng thống Vladimir Putin cáo buộc một số quốc gia, chủ yếu là các quốc gia phương Tây, đang phá hủy hệ thống quan hệ tài chính, thương mại và kinh tế toàn cầu. Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo việc phương Tây tịch thu và phong tỏa tài sản của Nga sẽ gây ra những hậu quả tiêu cực như tiền lệ đối với sự phát triển chung của hệ thống tài chính toàn cầu. Do đó, Nga sẽ có biện pháp pháp lý giải quyết việc các tài sản bị tịch thu ở phương Tây; đồng thời sẽ nghiên cứu biện pháp đáp trả phù hợp nhất.

Thực tế, bất kỳ quyết định tịch biên nào của phương Tây đối với tài sản của Nga cũng có nguy cơ khiến Moscow đáp trả bằng cách tiếp quản thêm các tài sản phương Tây bị mắc kẹt ở Nga. Đầu năm nay, Điện Kremlin quốc hữu hóa các công ty con tại Nga của 4 công ty châu Âu. Ngoài ra, hàng trăm công ty phương Tây đang gặp khó trong việc tìm kiếm thỏa thuận rút lui khỏi Nga hoặc buộc phải xóa bỏ tài sản ở Nga ra khỏi sổ sách. Nhiều công ty con của họ tại Nga vẫn tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhưng số tiền đó bị giữ lại ở trong nước theo luật pháp Nga.

Ngày 8-11, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cho phép “hoán đổi” tài sản của các nhà đầu tư nước ngoài bị phong tỏa ở Nga với tài sản bị đóng băng của người Nga ở nước ngoài. Theo Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, hơn 3,5 triệu công dân Nga có tài sản trị giá tới 16,3 tỷ USD bị phong tỏa ở nước ngoài. Chính quyền Nga đề xuất đổi số tiền bị phong tỏa này lấy tiền mà người nước ngoài tích lũy trong tài khoản loại “C” hiện có ở Nga.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.