EU trước những thách thức chưa từng có

.

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh hiện nay của Liên minh châu Âu (EU) có thể thấy hàng loạt thách thức vô cùng nghiêm trọng, trong đó nổi lên là vấn đề an ninh và kinh tế làm dấy lên mối lo ngại khả năng về phục hồi hậu Covid-19.

Theo Politico, trong tài liệu được công bố gần đây có tên “Báo cáo tầm nhìn chiến lược năm 2023”, Ủy ban châu Âu (EC) chỉ ra các thách thức chủ yếu đối với EU trong những năm tới. Với tư cách nền kinh tế chiếm gần 1/5 GDP toàn cầu, nhưng số liệu công bố cho thấy, EU đang đối mặt với nhiều phép thử khó khăn, gồm lạm phát phi mã, hoạt động sản xuất đình trệ, số doanh nghiệp phá sản tăng cao, khủng hoảng năng lượng bấp bênh, khí hậu biến đổi khó lường, thiếu lực lượng lao động có tay nghề cao, tình trạng người nhập cư bất hợp pháp…Các chuyên gia nhận định, do chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau Covid-19, nhất là biến động mạnh mẽ về địa chính trị ở các châu lục cũng như thay đổi về trật tự thế giới, cùng với việc chưa định hình quan hệ hợp tác kinh tế giữa EU với Trung Quốc, đã khiến kinh tế EU bị xáo trộn sâu sắc.

Điều đáng lo ngại nhất là hoạt động kinh tế ở khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục giảm sâu, trong đó chủ yếu là sự sụt giảm của ngành sản xuất đang nhanh chóng lan sang khu vực dịch vụ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone giảm từ mức 48,6 trong tháng 7-2023 xuống còn 47 vào tháng 8-2023, mức thấp nhất trong 3 năm qua tại Eurozone. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), số vụ tuyên bố phá sản ở EU trong quý 2-2023 tăng quý thứ 6 liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2015. Theo đó, từ tháng 4 đến tháng 6-2023, số lượng công ty ngừng hoạt động tăng 8,4% so với quý 1-2023. Số hồ sơ phá sản tăng trong tất cả lĩnh vực, song mức tăng nhiều nhất ở các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận chuyển và kho bãi, giáo dục, y tế.

Trong bức tranh u ám của kinh tế châu Âu, kinh tế Đức “đóng góp” nhiều gam màu xám. Quốc gia đầu tàu của EU ghi nhận mức tăng trưởng GDP 0% trong quý 2-2023, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm. Ngành công nghiệp, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của Đức, bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây khi xuất khẩu giảm mạnh.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng EU xuống còn 0,6% năm 2023 và 1,1% năm 2024, trong bối cảnh kinh tế Ðức gặp khó khăn. EC cũng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Eurozone trong các năm 2023 và 2024, trong đó kinh tế Ðức giảm mạnh kéo đà tăng trưởng của cả khu vực đi xuống.

Trong khi nền kinh tế có quá nhiều lực cản, ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine và những bất ổn vừa bùng phát ở Trung Đông cũng tác động mạnh mẽ đến vấn đề an ninh-xã hội của EU. Cuộc sống ngày càng khó khăn hơn đối với những người lao động có thu nhập thấp, những người đang phải gánh chịu gánh nặng của biến đổi khí hậu, khủng hoảng năng lượng trong khi phải trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm cũng như hàng hóa và dịch vụ khác.

Trong khi đó, làn sóng người di cư từ các điểm nóng xung đột tràn vào EU. Hàng triệu người di cư không chỉ là gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn tạo bất đồng trong xã hội. Các cuộc biểu tình, bạo động phản kháng, trong đó có liên quan đến vấn đề tôn giáo, sắc tộc, đang ngày càng phổ biến ở Pháp, Ba Lan, Tây Ban Nha, Đức, Ý… làm mất an ninh-trật tự xã hội và những hệ lụy nghiêm trọng khác rất đáng lo ngại. EC khẳng định, tình trạng bất bình đẳng hiện nay là “có liên hệ chặt chẽ” với sự suy giảm niềm tin vào thể chế của EU. Sự bất mãn gia tăng cộng với việc thiếu chương trình nghị sự tích cực của chính phủ của các nước thành viên đã làm xói mòn niềm tin vào các thể chế công cộng, khiến xã hội phân cực và các phong trào cực đoan hay dân túy trỗi dậy. Những “cơn gió ngược chính trị” liên tiếp xuất hiện gần đây ở Ba Lan và Slovakia là những ví dụ cụ thể.

Để hóa giải những thách thức trên, quan chức EU cho rằng, châu Âu phải cắt giảm sự phụ thuộc chiến lược vào các quốc gia khác và thay vào đó khai thác các nguồn tài nguyên nội khối và thúc đẩy sản xuất ngay tại “lục địa già”.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.