Vì sao Mỹ tăng ảnh hưởng với các quốc đảo Thái Bình Dương?

.

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố “khu vực Thái Bình Dương rộng lớn đủ chỗ cho cả Trung Quốc và Mỹ”. Phát biểu này được đưa ra tại thời điểm Washington đẩy mạnh chính sách “xoay trục” hay “tái cân bằng” tại châu Á - Thái Bình Dương do lo ngại nguy cơ Bắc Kinh mở rộng phạm vi ảnh hưởng bao trùm tới tận các quốc đảo nam Thái Bình Dương. Khu vực này vốn bị lãng quên suốt thập niên qua nhưng đã nhanh chóng được quan tâm, cạnh tranh mang tính chiến lược quyết liệt giữa các siêu cường mà chủ yếu một bên là Trung Quốc và phần còn lại là Mỹ và các đồng minh.

Dù nhiều đảo quốc Thái Bình Dương không muốn bị cuốn vào cuộc cạnh tranh nước lớn nhưng điều họ thực sự cần, cũng là điều mà Trung Quốc dường như có thể cung cấp, chính là trực tiếp tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và kinh tế. Trung Quốc đã đầu tư nguồn lực rất lớn để vực dậy nền kinh tế của một số đảo quốc hậu Covid-19 để đổi lấy sự hợp tác ở một số lĩnh vực. Đặc biệt, việc Trung Quốc và Quần đảo Solomon ký thỏa thuận khung hợp tác an ninh vào tháng 4-2022 không những được coi là thắng lợi ngoại giao quan trọng mà còn làm dấy lên sự cảnh giác cao độ của Mỹ và Úc. Washington và Canberra lo ngại Bắc Kinh có thể triển khai lực lượng và xây dựng căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon, thậm chí thỏa thuận này còn có thể thúc đẩy thêm nhiều đảo quốc nam Thái Bình Dương khác có bước đi tương tự.

Trong khi đó, trong quá trình xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, ngoài nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD - gồm Mỹ, Úc, Nhật Bản và Ấn Độ), các quốc đảo ở Thái Bình Dương có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với Washington. Mỹ đã liên tiếp cử các quan chức hàng đầu trong Chính phủ tới thăm các quốc đảo Thái Bình Dương để tìm kiếm sự hợp tác; đồng thời nhanh chóng mở đại sứ quán tại Quần đảo Solomon và Tonga, khuyến khích đầu tư kinh doanh nhiều hơn tại đây. Đáng chú ý, Mỹ và Papua New Guinea đã ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng. Thỏa thuận mới sẽ cung cấp cho Papua New Guinea 45 triệu USD để cải thiện hợp tác an ninh.

Cách đây một năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với 14 quốc đảo Thái Bình Dương. Theo đó, Washington cam kết làm việc tích cực hơn với các đồng minh và đối tác để giải quyết nhu cầu của các quốc đảo và sẽ lập quỹ tài trợ mới trị giá 810 triệu USD cho họ để phát triển nghề cá, thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường.

Nhằm tiếp tục tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn nữa để cạnh tranh tầm ảnh hưởng với Trung Quốc, Mỹ sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với các nhà lãnh đạo của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF) gồm 18 thành viên tại Nhà Trắng ngày 25-9. Ngày 21-9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết, tại hội nghị sắp tới, ông Biden sẽ “tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với các ưu tiên khu vực”, với người dân các quốc đảo Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực.

Trong khi đó, Tổng thư ký (PIF) Henry Puna hy vọng sự kiện này sẽ mang lại những hành động cụ thể về các vấn đề, gồm: biến đổi khí hậu và nỗ lực phục hồi của khu vực hậu Covid-19. Ông Mark Brown, Thủ tướng Quần đảo Cook và hiện là Chủ tịch của (PIF), cho biết, khu vực này đang hướng tới hội nghị để có sự tham gia “hữu hình” của Mỹ nhằm giúp tăng trưởng kinh tế.

Có thể nói, cùng với các động thái gần đây của Trung Quốc, lập trường hiện nay của các đảo quốc theo như nhận định của ông Puna rằng sẽ “hợp tác với bất kỳ đối tác nào sẵn sàng làm việc với chúng tôi, thay vì vây quanh chúng tôi”, đã hối thúc Mỹ quay trở lại các đảo quốc Thái Bình Dương với tinh thần tích cực và chủ động hơn. Do đó, cuộc cạnh tranh tầm ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc ở khu vực này chắc chắn sẽ ngày càng quyết liệt hơn bao giờ hết.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.