Vì sao Indonesia cấm bán hàng trên mạng xã hội?

.

Indonesia bất ngờ thông báo cấm bán hàng trên mạng xã hội với mục đích bảo vệ hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Quyết định này sẽ giáng đòn mạnh lên TikTok bởi mạng xã hội này mới đây hứa hẹn đầu tư hàng tỷ USD vào Đông Nam Á, phần lớn tại Indonesia, trong vài năm tới để thúc đẩy thương mại điện tử.

Thị trường thương mại điện tử của Indonesia đang bị thống trị bởi các nền tảng thương mại như Tokopedia, Shopee và Lazada... Riêng TikTok, thuộc sở hữu của “gã khổng lồ” công nghệ Trung Quốc ByteDance, chọn Indonesia, nước đông dân thứ tư thế giới, là nơi đầu tiên để triển khai nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop từ năm 2021.

Theo Công ty tư vấn Momentum Works, với số dân hơn 270 triệu người, trong đó có 125 triệu người dùng mỗi tháng, riêng số người dùng TikTok của Indonesia gần bằng với số người sử dụng ứng dụng này ở châu Âu và chỉ xếp sau Mỹ với 150 triệu người dùng. Năm 2022, giao dịch thương mại điện tử ở Indonesia đạt doanh số gần 52 tỷ USD, trong đó 5% diễn ra trên TikTok, chủ yếu qua livestream.

Trong khi đó, Bộ Thương mại Indonesia cho biết, việc người bán hàng trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng phương pháp định giá phá giá (predatory-pricing), thuật ngữ chỉ việc đặt giá ở mức rất thấp nhằm loại bỏ sự cạnh tranh, đang đe dọa nghiêm trọng thị trường trực tiếp của nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Mới đây, Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi ban hành quy định về truyền thông xã hội. “Chúng tôi biết mạng xã hội ảnh hưởng đến các MSME (Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa) và thị trường nói chung. Doanh số bán hàng của MSME bắt đầu giảm do dòng sản phẩm nước ngoài từ các trang mạng xã hội đổ vào”. Theo Chính phủ Indonesia, quy định nói trên giúp bảo vệ thương nhân và thị trường ngoại tuyến trong bối cảnh định giá “săn mồi” (chỉ việc đặt giá thấp giả tạo để loại bỏ cạnh tranh) trên truyền thông xã hội đang đe dọa doanh nghiệp.

Quy định mới cũng yêu cầu các nền tảng thương mại điện tử ở Indonesia đặt mức giá tối thiểu là 100 USD đối với một số mặt hàng nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài, và tất cả sản phẩm được cung cấp phải đáp ứng tiêu chuẩn địa phương. SCMP dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan nhấn mạnh: “Mạng xã hội chỉ được phép hỗ trợ quảng cáo song không được phép thực hiện giao dịch. Họ không được mở cửa hàng, bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng. Giới chức Indonesia tin tưởng quy định mới sẽ tạo cơ hội phát triển cho hơn 64 triệu doanh nghiệp MSME trong nước vốn đóng góp tới 61% GDP, đồng thời ngăn chặn sự độc quyền của các công ty thương mại xã hội lớn khác.

Trong khi đó, TikTok Indonesia cho biết, công ty này quan ngại sâu sắc bởi vì quy định mới sẽ ảnh hưởng tới sinh kế của 6 triệu người bán hàng địa phương hoạt động trên TikTok Shop. Một số chuyên gia cho rằng, quy định này vô hình trung mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh của TikTok Shop như Shopee, Lazada và cả những công ty truyền thống của địa phương trước tham vọng thương mại điện tử của TikTok tại nước này.

Tuy nhiên, hầu hết dư luận cho rằng, quyết định của Chính phủ Indonesia là bước đi quyết đoán, mạnh mẽ và phân biệt rõ ràng “mạng xã hội và thương mại điện tử không thể coi là một”. Các công ty truyền thông xã hội không được phép hoạt động như nền tảng thương mại điện tử nhằm ngăn chặn việc lạm dụng dữ liệu công cộng để kiếm lợi nhuận. Điều này có nghĩa là người dùng ở Indonesia không thể mua hoặc bán các sản phẩm và dịch vụ trên TikTok hay Facebook, Instagram mà chỉ được phép tiếp cận với tư cách là quảng cáo sản phẩm như đang hiện hữu trên các phương tiện báo chí.

Mặt khác, việc cấm kinh doanh trên các nền tảng xã hội còn tạo ra sân chơi công bằng, hợp lý, chống bán phá giá, gian lận thương mại, trốn thuế… cho tất cả chủ thể tham gia kinh doanh, nhất là các doanh nghiệp MSME vốn đóng góp rất lớn cho GDP. Rõ ràng, diễn biến này là đi hướng đi tích cực, gợi mở cho nhiều quốc gia khác tham khảo để có quyết định phù hợp, vừa tạo không gian thuận lợi cho việc kinh doanh điện tử, kinh doanh truyền thống phát triển cũng như các nền tảng xã hội hoạt động trong môi trường cạnh tranh công bằng, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho mọi đối tượng tham gia.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.