Sức chống chọi kỳ diệu của kinh tế Nga

.

Kể từ trước khi xung đột ở Ukraine nổ ra, phương Tây áp đặt hàng ngàn lệnh trừng phạt nhằm khiến kinh tế Nga sụp đổ nhanh chóng để không còn đủ tiềm lực duy trì sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, kinh tế nước này vẫn trụ vững trước “bão trừng phạt” chưa từng có trong lịch sử đương đại nhằm vào một quốc gia và từng bước thúc đẩy tăng trưởng trở lại đáng ngạc nhiên.

Theo Reuters, Chính phủ Mỹ tự tin cho biết, các lệnh trừng phạt sẽ khiến kinh tế Nga trở nên kém kiên cường hơn, ít có khả năng tự phục hồi theo thời gian hơn và Nga sẽ gặp khó để duy trì chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Tuy nhiên, nằm ngoài dự đoán này, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây cho biết, sau sự sụt giảm 2,1% GDP năm 2022, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023. Vậy đâu là nhân tố giúp kinh tế Nga vượt lên sự ngăn chặn của phương Tây?

Trước hết, theo giới phân tích, đó là sự điều hành linh hoạt và kích thích đáng kể của Chính phủ Nga, sự chuyển dịch nhanh chóng sang nền kinh tế thời chiến và sự chuyển hướng dòng chảy thương mại chưa từng có của Nga từ châu Âu sang các đối tác châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ. Đặc biệt, quá trình nội địa hóa nhiều sản phẩm được ưu tiên như “hàng kim loại thành phẩm”, dòng sản phẩm bao gồm cả vũ khí và đạn dược, tăng 30% trong nửa đầu năm nay so với năm 2022. Đây được xem là điểm nhấn khá ấn tượng để kinh tế Nga không bị tắc nghẽn đột ngột mà từng bước thích ứng trước các lệnh trừng phạt khắc nghiệt. Ngoài ra, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga cũng hợp lý và hiệu quả khi buộc các đối tác châu Âu mua dầu Nga phải giao dịch bằng đồng ruble và triển khai rộng rãi đồng ruble kỹ thuật số.

Bên cạnh đó, nguồn nguyên liệu thô phong phú với số lượng lớn của Nga giữ vị trí quan trọng của nhiều nền kinh tế thế giới. Dù phương Tây áp đặt trừng phạt kinh tế nhưng không thể đoạn tuyệt với nguồn khoáng sản và các sản phẩm độc quyền của Nga. Chẳng hạn, về dầu khí, phương Tây chỉ có thể áp đặt giá trần, để rồi mỗi năm phải chi hàng trăm tỷ USD cho ngân sách nước Nga. Sự phụ thuộc vào các sản phẩm hạt nhân của Nga vốn được sử dụng chủ yếu để cung cấp nhiên liệu cho các lò phản ứng dân sự cũng khiến Mỹ và các đồng minh có nguy cơ thiếu năng lượng nếu Nga cắt nguồn cung. Thách thức này có thể trở nên gay gắt hơn khi phương Tây đang tìm cách thúc đẩy sản xuất điện không phát thải để chống biến đổi khí hậu. Nga đã bán khoảng 1,7 tỷ USD sản phẩm hạt nhân cho các công ty ở Mỹ và châu Âu thời gian qua.

Ở khía cạnh khác không kém phần quan trọng là phương Tây trừng phạt Nga nhưng phần còn lại của thế giới không muốn điều đó, bởi nhu cầu toàn cầu tiếp tục duy trì đối với các loại hàng hóa khác của Nga, nhất là năng lượng, lương thực và phân bón. Do đó, Nga vẫn ghi nhận mức thặng dư tài khoản vãng lai kỷ lục, thước đo tổng quát về dòng vốn chảy vào nền kinh tế.

Theo “Báo cáo tài sản toàn cầu hằng năm” của Ngân hàng UBS Group tại Thụy Sĩ vừa công bố, Nga đã có thêm 600 tỷ USD vào tổng tài sản trong khi số lượng triệu phú cũng tăng lên. Ngược lại, các nước trừng phạt Nga như Mỹ lại mất nhiều tài sản hơn bất kỳ quốc gia nào khác vào năm 2022 khi 5.900 tỷ USD “bốc hơi”. Tương tự, các nước Bắc Mỹ và châu Âu cộng lại cũng bị “nghèo” đi 10.900 tỷ USD.

Đáng chú ý, theo Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, tính đến cuối năm 2022, Nga vượt Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và đứng thứ 5 thế giới. Diễn biến này cho thấy kinh tế Nga không bị phá hủy, nó chỉ đơn giản được tái cơ cấu và tái định hướng từ phía Tây sang phía Đông và phía Nam trước “cơn mưa” trừng phạt của phương Tây. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố: “Chúng ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng trừng phạt kinh tế của phương Tây và triển vọng phục hồi kinh tế rất sáng. Điều này chắc chắn sẽ gây bất ngờ đối với những quốc gia không thân thiện với Nga”. 

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.