Nguy cơ khủng bố trỗi dậy ở Nam Á

.

Một số nước ở Nam Á chứng kiến biến động vô cùng phức tạp và trải qua thời kỳ an ninh bất ổn kéo dài do lực lượng khủng bố chi phối, tác động. Các vụ tấn công gây thương vong rất lớn gần đây ở Pakistan mà giới chức nước này cho rằng tổ chức “Nhà nước Hồi giáo tự xưng” (IS) đứng đằng sau một lần nữa cho thấy “bóng ma” khủng bố vẫn hiện hữu trong khu vực và có nguy cơ trỗi dậy mạnh hơn.

Kể từ đầu năm 2023, hàng loạt vụ đánh bom khủng bố nghiêm trọng diễn ra tại Pakistan, trong đó đáng chú ý là vụ đánh bom tự sát tại nhà thờ Hồi giáo ở Peshawar vào tháng 1-2023, khiến 101 người chết và hơn 200 người khác bị thương. Ngày 30-7, vụ nổ bom kinh hoàng tại huyện Bajaur, tỉnh Khyber Pakhtunkhwa khiến ít nhất 44 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương.

Bajaur là 1 trong 7 huyện ở khu vực hẻo lánh của Pakistan giáp biên giới Afghanistan, nằm trong khu vực từng là điểm nóng của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Cảnh sát và lực lượng cứu hộ của Pakistan cho rằng đây là vụ đánh bom liều chết do IS phát động nhằm vào Jamiat Ulema Islam-Fazl (JUI-F), đảng Hồi giáo theo đường lối cứng rắn tại Pakistan và là đối tác liên minh trong chính phủ nước này.

Thời gian gần đây, JUI-F liên tiếp hứng chịu tấn công khủng bố của một nhánh IS tại Pakistan. Các vụ tấn công có dấu hiệu gia tăng trong thời gian qua tại Pakistan sau khi lệnh ngừng bắn giữa tổ chức Tehreek-e-Taliban Pakistan (TTP) và Islamabad bị đổ vỡ.

TTP là tổ chức khủng bố hoạt động ở Pakistan và Afghanistan, lấy định hướng tư tưởng từ Al-Qaeda và IS, trong khi các phần tử của hai tổ chức khủng bố khét tiếng này dựa một phần vào TTP để trú ẩn an toàn dọc biên giới Afghanistan-Pakistan. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Pak (Islamabad), năm 2022 có 262 vụ tấn công khủng bố xảy ra ở Pakistan. Ngoài số vụ tấn công khủng bố gia tăng ở Pakistan thì các vụ xả súng giữa quân đội hai nước dọc theo biên giới Pakistan-Afghanistan cũng tăng lên rất đáng lo ngại.

Giới quan sát đánh giá, các vụ đánh bom kinh hoàng liên tiếp diễn ra khiến người dân Pakistan cảm thấy hoang mang hơn bao giờ hết, nhất là trong thời điểm quốc gia này tin rằng cuộc xung đột ở nước láng giềng Afghanistan đã kết thúc. Ngày 15-8-2021, Pakistan tổ chức ăn mừng khi Taliban lấy được Kabul và tái lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA), một thất bại khó quên của người Mỹ và các đồng minh sau chiến dịch chống Taliban và các tổ chức khủng bố Al-Qaeda và IS kéo dài suốt 20 năm.

Tưởng chừng mọi thứ đã yên ổn khi chính phủ mới ở Kabul sẽ là đồng minh của Islamabad bởi Pakistan từng “bí mật” hậu thuẫn Taliban nhưng phủ nhận sự hỗ trợ này bất chấp cáo buộc từ bên ngoài để giúp Taliban rất nhiều trong cuộc chiến chống lại quân đội Mỹ và đồng minh. Sự ủng hộ của Pakistan được cho là xuất phát từ tình hình địa chính trị phức tạp ở Nam Á, trong đó có mối quan hệ giữa Pakistan với Ấn Độ. Tuy nhiên, mối quan hệ Kabul - Islamabad dường như đã xấu đi khi mà Pakistan đã “buộc phải” từ chối thừa nhận chính phủ mới của Afghanistan do áp lực từ cộng đồng quốc tế.

Ở khía cạnh khác, tình hình chính trị ở Afghanistan tràn ngập trong mâu thuẫn, xung đột giữa các phe phái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến chính quyền Afghanistan không thể hành động chống trả khủng bố ở trong nước và ở cả Pakistan. Taliban sợ rằng việc gây mâu thuẫn với TTP sẽ khiến tổ chức này gia nhập nhóm IS vốn đang cạnh tranh quyền lực với Taliban hoặc thậm chí Al-Qaeda và IS có thể thuyết phục TTP quay sang chống chính quyền nước này.

Điều đáng nói nữa là hầu hết các cuộc tấn công khủng bố đều do TTP, hoặc các nhóm thân với Al-Qaeda và IS thực hiện tấn công cơ sở quân đội, lực lượng cảnh sát, hay đảng phái ủng hộ chính phủ đều với mục là đích lật đổ chính quyền Pakistan và tiến đến thực thi chế độ Shariah. Đây là bài toán phức tạp đối với chính quyền Pakistan lẫn Afghanistan và kể cả Nam Á nói chung trong tiến trình chống khủng bố nhằm ổn định an ninh trật tự.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.