Vì sao vùng Vịnh xích lại gần Nga?

.

Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) gồm: Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ra đời năm 1981, là liên minh chính trị và kinh tế của tất cả quốc gia Arab ở vịnh Ba Tư, ngoại trừ Iraq. Đây là khu vực có nguồn dầu mỏ hàng đầu thế giới và nằm trên tuyến vận tải hàng hải quan trọng qua vịnh Ba Tư, nên nhiều thập niên qua, Mỹ tìm mọi cách để đầu tư rất nhiều nguồn lực chính trị, kinh tế và quân sự nhằm nắm giữ vị trí chiến lược này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động khó lường, đặc biệt Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và thách thức vai trò lãnh đạo “độc tôn” của Mỹ; chủ nghĩa đơn cực ngày càng làm xói mòn lòng tin, gây bất bình sâu sắc và không được nhiều quốc gia chấp nhận, GCC đã thay đổi cách tiếp cận để giữ vững vị thế về nguồn lực dầu mỏ dồi dào và tuyến vận tải hàng hải. Ngoài ra, GCC cũng có đường lối lãnh đạo thực dụng, khôn khéo để khẳng định sự độc lập, tự quyết trong nhiều vấn đề trong nước, cũng như khu vực và quốc tế.

Thực tế nhiều năm qua, Mỹ bắt đầu chuyển hướng chiến lược từ Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương để đối phó với Trung Quốc và liên tiếp can thiệp nội bộ, nhất là yêu cầu phải “tăng sản lượng dầu mỏ” để bảo đảm nguồn cung trên thị trường, hay về vấn đề “dân chủ, nhân quyền” khiến GCC bất bình, nên vai trò của Washington ở khu vực này tuy không bị gián đoạn nhưng suy giảm rõ rệt. Thậm chí, một số nước GCC tỏ ra lạnh nhạt với Mỹ trong nhiều vấn đề gai góc mà Washington không thể “bắt buộc” như họ từng làm trước đây.

Bên cạnh nỗ lực xích lại gần Trung Quốc, GCC cũng không bỏ qua ý muốn tăng cường  hợp tác với Nga, cường quốc về quân sự, lương thực, dầu mỏ và là quốc gia đối địch với Mỹ và đồng minh phương Tây. Trong xung đột ở Ukraine, GCC thể hiện rõ ba khía cạnh và đã làm cho Mỹ và đồng minh không hài lòng, đó là: Dù chịu sức ép từ Mỹ và phương Tây nhưng GCC vẫn thể hiện sự trung lập trong cuộc xung đột ở Ukraine bằng việc khẳng định ủng hộ các nỗ lực hòa giải thông qua đàm phán và không tham gia các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga; GCC đánh giá và xem quan hệ với Nga là “đặc biệt” trên cơ sở hai bên ký biên bản ghi nhớ về đối thoại chiến lược tháng 11-2011, dấu hiệu cho thấy mong muốn tiến tới củng cố liên kết và xây dựng quan hệ bền chặt song phương; GCC luôn khẳng định sự hợp tác với Nga trong bảo đảm an ninh lương thực và hợp tác trong OPEC+, duy trì nguồn năng lượng toàn cầu ổn định, phù hợp và không bị tác động từ bên ngoài.

Mặt khác, GCC cho rằng, Nga không can thiệp sâu rộng vào các vấn đề nội bộ của các nước này, trong đó có vấn đề liên quan tới văn hóa, tôn giáo, chính trị, đảng phái, nhân quyền... Đáng chú ý, dù Mỹ và đồng minh phương Tây gây nhiều sức ép nhưng GCC và Nga vẫn sẽ tiến hành đối thoại chiến lược lần thứ 6 cấp bộ trưởng tại Moscow (Nga) ngày 10-8 để tăng cường quan hệ và phục vụ lợi ích của hai bên.

Còn đối với Nga, tận dụng sự “xao lãng” của Mỹ ở vị trí địa chính trị quan trọng này để gia tăng sự hợp tác với GCC được cho là nhằm tìm kiếm giải pháp bù đắp thiệt hại kinh tế do lệnh trừng phạt của phương Tây. Mặt khác, Nga cũng tìm quỹ đầu tư mới từ GCC, cũng như có thể đạt hợp đồng mua bán vũ khí, công nghiệp hóa quân sự và năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình.

Hơn nữa, việc tiếp cận thành công GCC vốn là nơi “chốt chặn” của Mỹ kể từ sau Thế chiến 2 được đánh giá là bước đi đầy ấn tượng của Nga. Điều này càng cho thấy, GCC muốn thoát khỏi sự ràng buộc duy nhất vào Mỹ như từng diễn ra trong nhiều thập niên trước và trở thành đối tác của các bên trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi. Tổng Thư ký GCC Jassim Al-Budaiwi khẳng định, GCC luôn nỗ lực hợp tác và xây dựng quan hệ với tất cả quốc gia và khu vực, thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với nhiều bên để tăng cường vị thế của liên minh này trên trường quốc tế.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.