Trung Quốc 'để mắt' tới bất động sản Đông Nam Á

.

Việc Trung Quốc thúc đẩy kế hoạch “thịnh vượng chung”, cùng 3 năm kiểm soát Covid-19 chặt chẽ, khiến ngày càng nhiều người giàu nước này muốn định cư ở nước ngoài. Đặc biệt, Đông Nam Á trở thành điểm đến ưa thích cho người giàu Trung Quốc khi chính phủ các nước trong khu vực này có chính sách thu hút nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đến định cư.

Ở Trung Quốc, bất động sản vốn chiếm 25% hoạt động của nền kinh tế, hiện đang giảm mạnh trong vài năm trở lại đây do tác động của Covid-19 và một số bất ổn khi nhiều công ty bất động sản vỡ nợ và phải dừng xây dựng các dự án nhà ở trả tiền trước. Các nhà đầu tư, đặc biệt giới siêu giàu Trung Quốc, đã linh hoạt chuyển hướng dòng tiền ra mua bất động sản ở nước ngoài. Theo Bloomberg, dòng vốn rời Trung Quốc được dự báo chạm mốc 150 tỷ USD năm nay.

Theo bảng xếp hạng mới nhất của Tập đoàn bất động sản Juwai IQI, có 5 quốc gia châu Á lọt vào top 10 điểm đến nửa đầu năm 2023 của nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc, gồm Thái Lan, Malaysia, Nhật Bản, Việt Nam, Singapore. Đáng chú ý, Indonesia là lựa chọn hàng đầu ở Đông Nam Á. Thực tế, do biến động lãi suất cùng với chính sách đầu tư, hợp tác kinh tế thay đổi đáng kể, nên châu Á, nhất là Đông Nam Á, nhanh chóng trở thành “bến đỗ” mới cho nhiều nhà đầu tư bất động sản và giới nhà giàu Trung Quốc. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo, kinh tế khu vực này tăng trưởng 3,4 - 5% năm nay. Đây là con số đáng chú ý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều trở ngại. Mặt khác, lãi suất ở Mỹ và Úc hiện ở mức tương ứng 5,25% và 4,10%. Trong khi đó, lãi suất của Indonesia, Malaysia và Thái Lan lại dao động 2 - 5,75%.

Song, lý do được nhắc đến nhiều nhất theo như Juwai IQI lý giải chính là các nhà đầu tư coi Đông Nam Á là điểm đến hấp dẫn vì quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và các nước này đang phát triển, trong khi quan hệ với Mỹ đang suy giảm. Nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng của Đông Nam Á mang lại cơ hội về đất đai, cơ sở du lịch, khu công nghiệp, cơ sở công nghiệp và hậu cần có thể phát triển được. Mặt khác, về chính sách vĩ mô, Trung Quốc áp dụng biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt và điều này sẽ mang lại lợi thế hơn nữa cho các nước Đông Nam Á. Các nhà đầu tư Trung Quốc nhận thấy việc xin phép chính phủ thực hiện các dự án ở khu vực này thuận lợi, dễ dàng hơn.

Điểm đáng chú ý khác, sau khi chịu cảnh “mắc kẹt” ở quê nhà suốt 3 năm do chính sách “zero Covid”, giới nhà giàu Trung Quốc sốt sắng tìm cơ hội di cư đến Đông Nam Á sau khi nước này tái mở cửa biên giới bởi họ xem đây là phương án dự phòng trong trường hợp bùng phát dịch bệnh tương tự và phòng ngừa rủi ro kinh tế trong nước. Dòng tiền của nhà đầu tư Trung Quốc “chảy” vào Singapore tăng mạnh do đảo quốc này là thiên đường thuế ổn định, chương trình đầu tư hưởng quyền thường trú nhân cho bản thân và gia đình, sự gần gũi về địa lý và văn hóa, cùng khả năng kết nối với phần còn lại của Đông Nam Á.

Trong khi thị trường đầu tư bất động sản truyền thống ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Canada và Úc gần như bão hòa, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu chú ý nhiều hơn đến các nước Đông Nam Á. Bên cạnh những lý do nêu trên, khu vực này cũng có ít loại thuế và phí liên quan đến giao dịch bất động sản, cùng phương thức thanh toán thuận lợi cho mức ngân sách đầu tư hạn chế. Quan trọng nhất, bất động sản ở các nước ở khu vực này đang có lợi suất cho thuê cao. Ngoài ra, phần lớn các quốc gia ở đây cho phép quyền sở hữu cả đất đai và nhà ở. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và sự phát triển của các thành phố này, giá đất ở các quốc gia này chỉ có thể tăng, do đó sẽ đẩy giá bất động sản cao hơn.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.