Khai khoáng biển sâu: Mối lợi kinh tế hay thảm họa môi trường?

.

Trong bối cảnh các nguồn tài nguyên trên mặt đất ngày càng cạn kiệt và liên tiếp diễn biến phức tạp về địa chính trị dẫn đến chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng, nhiều nước đã tính đến việc khai thác nguồn tài nguyên dưới đáy biển sâu.

Đáy biển sâu lâu nay vẫn được xem là vùng biển giàu tài nguyên khoáng sản có trữ lượng hấp dẫn. Do vậy, việc khai thác đáy biển sâu (DSM) trở thành ngành thương mại tiềm năng mà các nước phát triển, với tiềm lực kinh tế và tiến bộ khoa học công nghệ hiện đại, đang cố gắng tăng cường khai thác các mỏ khoáng sản với hy vọng chiết xuất các khoáng chất có giá trị thương mại như mangan, đồng, coban, kẽm và kim loại đất hiếm…

Theo AP, 16 công ty khai thác quốc tế có hợp đồng thăm dò DSM để tìm khoáng sản trong khu vực Clipperton Clarion (CCZ) ở đông Thái Bình Dương và các công ty khác có hợp đồng thăm dò các nốt sần ở Ấn Độ Dương và tây Thái Bình Dương.

Mới đây, ngay sau khi Liên Hợp Quốc (LHQ) thông qua hiệp ước Đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia (BBNJ), công cụ pháp lý mang tính bắt buộc đầu tiên để vừa bảo vệ và khai thác, quản lý vùng biển khơi, Na Uy đề xuất khai khoáng ở vùng DSM trải rộng tới 280.000km2 để tránh phụ thuộc khoáng sản nhập từ các nước, chẳng hạn như Trung Quốc. Tuy nhiên, các tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế và nhà khoa học hết sức lo ngại vì động thái của Na Uy có nguy cơ phá hủy hệ sinh thái phát triển mạnh và liên kết với nhau trên quy mô rộng lớn, nơi lưu trữ loạt đa dạng sinh học đáng kinh ngạc ở đại dương sâu thẳm trong nhiều thập niên.

Tổ chức Công lý môi trường nhấn mạnh, DSM có thể gây tổn hại nghiêm trọng các hệ sinh thái biển độc đáo với ba tác động môi trường chính: sự xáo trộn của đáy biển, các đám trầm tích và ô nhiễm. Theo các nhà khoa học, mỗi khi chúng ta cho các cỗ máy công nghiệp hiện đại thu thập mẫu tại một nơi nào đó dưới đáy biển sâu, thì sẽ tạo ra các mảnh vỡ dưới nước hoặc mảnh đá rất mịn, qua đó làm biến đổi đáng kể môi trường.

Chẳng hạn, khi đào sâu vào các lớp trầm tích ở đáy biển thì sẽ tạo ra các mảnh vỡ trôi lơ lửng trong nước, rồi khi lắng xuống, chúng sẽ bao phủ lên hệ sinh thái và khiến các loài sinh vật thiếu dưỡng khí, cũng như phá hủy môi trường sống của chúng. Điều đáng nói là các hệ sinh thái có liên quan đến các môi trường nằm dưới đáy biển sâu có tốc độ phục hồi rất chậm so với ở môi trường ít sâu hơn và gần bờ biển hơn. Như vậy, việc khôi phục hệ sinh thái DSM sẽ phức tạp hơn nhiều so với trên đất liền, như khi lấp đầy mỏ lộ thiên chẳng hạn.

Mặt khác, khi khai khoáng số lượng đá được đưa từ dưới đáy biển rất lớn, thường có kèm theo nước ở đáy biển. Lượng nước này phần lớn được đổ lại biển, nhưng tùy vào độ sâu và tính chất, thành phần hóa học có trong loại nước này, nó có thể tác động nghiêm trọng đối với các loài sinh vật trong khu vực.

Trong khi đó, tác động của DSM đối với các hệ sinh thái giữa nước rất nghiêm trọng. Các hệ sinh thái giữa nước chứa 90% sinh quyển và trữ lượng cá khổng lồ để đánh bắt thương mại và an ninh lương thực. Các tác động tiềm ẩn của DSM, gồm trầm tích và kim loại độc hại sẽ xâm nhập vào chuỗi thức ăn ở vùng đại dương rộng lớn.

Cùng với các chất độc hại, trong đó có hàng triệu triệu tấn chất thải nhựa mà con người thải ra hàng ngày trôi ra đại dương, DSM sẽ khiến môi trường sống của nhân loại ngày càng bị thu hẹp và đến một lúc nào đó nó sẽ cạn kiệt hoàn toàn. Đại dương sâu thẳm đã bị đe dọa bởi một số hoạt động của con người và DSM là mối đe dọa đáng kể cần phải được ngăn chặn kịp thời. Do đó, xây dựng cơ chế quản lý DSM là nhiệm vụ cấp bách.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.