Hướng tiếp cận mới của Trung Quốc ở Trung Đông

.

Cách đây khoảng 10 năm, Mỹ bắt đầu giảm ảnh hưởng ở Trung Đông để chuyển hướng chiến lược sang châu Á-Thái Bình Dương. Đó cũng là thời điểm Trung Quốc tranh thủ thời cơ để tiếp cận Trung Đông vốn được xem là nơi “chốt chặn” vững chắc của Washington kể từ sau Thế chiến 2.

Thực tế, Trung Quốc không đầu tư tiềm lực quân sự như Mỹ đã và đang làm mà thông qua việc làm trung gian hòa giải cho các cuộc xung đột để giúp tái lập quan hệ giữa các nước trong thế giới Arab, đặc biệt thúc đẩy Sáng kiến “Vành đai và Con đường” để không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng. Với tư cách là nhà đầu tư lớn nhất ở Trung Đông, Bắc Kinh “rót” vào khu vực này hơn 273 tỷ USD trong giai đoạn 2005 - 2022. “Gã khổng lồ châu Á” cũng mua dầu từ Iraq, khí đốt từ Qatar và xuất khẩu vũ khí sang Algeria, Morocco, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập và Saudi Arabia.

Trong bước đi đầu tiên tạo uy tín ở Trung Đông, Trung Quốc chọn tiếp cận Saudi Arabia, đồng minh chủ chốt của Mỹ nhưng xuất hiện những rạn nứt trong quan hệ với Washington, đồng thời là nhân tố có vị trí đặc biệt về quân sự- kinh tế và xã hội trong khu vực. Trong chuyến thăm Saudi Arabia tháng 12-2022, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, Riyadh không chỉ là thành viên quan trọng của thế giới Arab và Hồi giáo mà còn là lực lượng chủ chốt và độc lập trong thế giới đa cực và là đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc ở Trung Đông. Theo đó, hai nước ký kết 35 thỏa thuận hợp tác đầu tư bao trùm một loạt lĩnh vực với tổng trị giá gần 30 tỷ USD, qua đó thúc đẩy liên kết giữa Tầm nhìn 2030 của Saudi Arabia và Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.

Ngày 11-6, tại hội nghị Doanh nghiệp Arab - Trung Quốc lần thứ 10, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách đến từ 26 quốc gia chứng kiến ký kết 30 thỏa thuận đầu tư trị giá 10 tỷ USD thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong tuyên bố cùng ngày, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia tuyên bố, nước này muốn hợp tác, chứ không phải cạnh tranh với Trung Quốc, qua đó phớt lờ những lo ngại của phương Tây về quan hệ ngày càng khăng khít giữa Riyadh và Bắc Kinh.

Cùng với cách tiếp cận kinh tế, tháng 3-2023, Iran và Saudi Arabia, hai quốc gia thù nghịch ở vùng Vịnh, ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao vốn bị gián đoạn từ năm 2016 thông qua vai trò trung gian hòa giải của Trung Quốc. Thỏa thuận mang tính đột phá cho thấy cán cân chiến lược của Trung Đông đang đổi thay sâu sắc. Các chuyên gia đánh giá, thành công với tư cách là một bên kiến tạo hòa bình ở “chảo lửa” Trung Đông báo hiệu sự thay đổi đối với Trung Quốc, vốn có truyền thống không tham gia quá sâu vào nỗ lực giải quyết các cuộc xung đột toàn cầu. Theo bà Julia Gurol-Haller, chuyên gia tại Viện Arnold-Bergstraesser Freiburg (Đức), thỏa thuận có thể đóng vai trò bệ phóng của Trung Quốc cho sáng kiến trong tương lai và là minh chứng cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng đóng vai trò lớn hơn so với trước đây trong hòa giải xung đột. Thậm chí, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương cho biết, Bắc Kinh sẵn sàng làm trung gian hòa giải để thúc đẩy hòa đàm giữa Israel và Palestine. Dễ dàng nhận ra tất cả những điều này xảy ra đúng vào thời điểm ảnh hưởng của Mỹ vốn có truyền thống can dự và thao túng lớn nhất ở Trung Đông dường như đang suy yếu.

Những diễn biến trên cho thấy, cùng với vai trò trung gian cho các cuộc đối thoại và tham vấn, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào những quốc gia ở Trung Đông mở đường cho Bắc Kinh chuyển từ quyền lực “mềm” sang địa kinh tế và địa chính trị trong khu vực. Sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực này nên được hiểu là thông qua lăng kính đối thoại và tham vấn và quan hệ đối tác kinh tế giữa Bắc Kinh với tất cả quốc gia trong khu vực. Hướng tiếp cận này rất khác với chính sách của Mỹ vốn tập trung triển khai sức mạnh quân sự chống lại các đối thủ yếu trong khu vực và giờ đây lợi thế đang nghiêng về Trung Quốc.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.