Syria trở về với "gia đình Arab"

.

Hàng loạt cuộc “cách mạng màu” do Mỹ và đồng minh phương Tây chủ xướng đã khuấy động chính trường của nhiều nước ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi hơn 10 năm về trước; trong đó, Syria là điển hình cho sự thất bại. Lực lượng chống đối do Mỹ và các đồng minh tích cực ủng hộ nhưng không thể lật đổ được chính quyền hợp hiến do Tổng thống Syria Bashar al-Assad lãnh đạo.

Tuy nhiên, Tổng thống Bashar al-Assad và những người ủng hộ đã phải trả cái giá rất đắt, đó là: cuộc nội chiến đẫm máu giữa lực lượng chính phủ với phe đối lập; cùng với đó là lực lượng chiếm đóng do Mỹ đứng đầu; và các tổ chức khủng bố khét tiếng kéo dài suốt từ đó đến nay.

Trong khi Syria bị chiến tranh tàn phá nghiêm trọng khiến hàng chục triệu người phải đi lánh nạn, Mỹ và các đồng minh phương Tây còn đẩy nước này vào thế bị cô lập trên trường quốc tế, nhất là ở ngay trên “sân nhà” Trung Đông, khi Syria bị loại khỏi nhiều tổ chức, trong đó có Liên đoàn Arab (AL), tổ chức của “những người anh em Hồi giáo”. Ngoài ra, quốc gia Trung Đông này phải đương đầu với chính sách bao vây, cấm vận khắc nghiệt chưa từng có về chính trị, kinh tế, quân sự...

Tuy nhiên, bằng tinh thần quả cảm, chính quyền do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo, cùng với sự trợ giúp đặc biệt của Nga kể từ năm 2015, quân đội chính phủ Syria đánh bại các tổ chức khủng bố và lực lượng chống đối, kiểm soát phần lớn lãnh thổ đất nước, từng bước lập lại trật tự xã hội, khôi phục sản xuất, tạo lòng tin của nhân dân trong nước, bạn bè quốc tế, mà thể hiện rõ nhất là các nước trong khu vực.

Đáng chú ý, kể từ đầu năm 2023, chính trường Trung Đông thay đổi nhanh chóng, trong đó có hàng loạt động thái của các bên liên quan giúp thúc đẩy tiến trình chấm dứt xung đột, khôi phục hoàn toàn chủ quyền và hội nhập của Syria. Đáng chú ý, theo nghị quyết của hội nghị lần thứ 34 Liên minh Nghị viện Arab (APU) được tổ chức tại thủ đô Baghdad (Iraq) tháng 2-2023 nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Syria trở lại Liên đoàn Arab (AL). Với quyết định này của APU, quan chức các nước như Ai Cập, Iran, Saudi Arabia liên tiếp đến thăm Syria, gặp Tổng thống Bashar al-Assad để thảo luận, ký kết các văn bản hợp tác.

Đặc biệt, ngày 7-5, chưa đầy hai tuần trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của khối, ngoại trưởng các nước thành viên AL quyết định khôi phục tư cách thành viên của Syria, hơn một thập niên sau khi nước này bị loại trừ vì xung đột nổ ra vào năm 2011. Theo quyết định, Syria có thể lập tức tham gia trở lại các phiên họp của liên đoàn. Đây được xem là nỗ lực của AL giúp thúc đẩy giải pháp chính trị do người Arab dẫn đầu trong việc xử lý triệt để khủng hoảng đang diễn ra ở Syria. Cùng ngày, chính quyền Syria kêu gọi các nước Arab thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác và đối thoại để giải quyết những thách thức mà Thế giới Arab đang đối mặt.

Phản ứng trước quyết định của AL, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Washington không tin Syria xứng đáng được trở lại AL vào thời điểm hiện tại và tuyên bố các biện pháp trừng phạt chống Damascus của Mỹ vẫn giữ nguyên hiệu lực bởi Washington vẫn hoài nghi việc Tổng thống Bashar al-Assad sẵn sàng thực hiện các bước cần thiết để giải quyết khủng hoảng. Trái ngược với thái độ của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga hoan nghênh AL đưa Syria trở lại “gia đình Arab” khi nêu rõ: “Chúng tôi trông đợi các nước Arab tăng cường trợ giúp Syria giải quyết vấn đề tái thiết sau xung đột, vốn rất phức tạp do các biện pháp trừng phạt đơn phương bất hợp pháp”.

Có thể nói, việc Syria quay trở lại vòng tay của Arab cho thấy nỗ lực của Mỹ và đồng minh thực hiện “cuộc cách mạng màu” ở  nước Trung Đông này đã thất bại. Hơn thế, quyết định của AL còn là nhân tố quan trọng góp phần giúp “chảo lửa Trung Đông” giảm đi một điểm nóng xung đột kéo dài trong nhiều thập niên qua.

TUYẾT MINH

;
;
.
.
.
.
.