Mỹ - Triều gác lại quá khứ, tạo trang sử mới

.

Với cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un ngày 12-6, lịch sử đã được viết tại Singapore sau gần 70 năm đối đầu giữa hai nước. Tuyên bố chung Mỹ - Triều đề cập việc thiết lập một mối quan hệ song phương kiểu mới cũng như kiến tạo một nền hòa bình lâu dài và mạnh mẽ trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được gọi là “đàm phán thế kỷ”.    						             							                 Ảnh: AFP/Getty Images
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được gọi là “đàm phán thế kỷ”. Ảnh: AFP/Getty Images

Ngày 12-6, cả thế giới hướng về Singapore để chờ đợi thông tin tốt lành từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhất là khi Washington vẫn giữ quan điểm chỉ chấp nhận một kết quả duy nhất: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên “một cách toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”.

Hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra “cực kỳ thành công” như kỳ vọng của Tổng thống Trump, mặc dù hành trình đến thượng đỉnh không dễ dàng bởi cả hai bên phải vượt qua nhiều “định kiến cũ”.

Ông Trump mô tả cuộc thảo luận “một đối một” trong suốt 48 phút là “rất tốt, rất rất tốt”. “Chúng ta sẽ có một mối quan hệ tuyệt vời, tôi tin như vậy”, Tổng thống Mỹ nói.

Hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung nhất trí thiết lập quan hệ song phương kiểu mới. Bình Nhưỡng cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời sẽ phá hủy một bãi thử tên lửa quan trọng. Mỹ cam kết bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng.

“Tổng thống Trump đã cam kết bảo đảm an ninh cho CHDCND Triều Tiên và Chủ tịch Kim Jong-un cũng tái khẳng định cam kết chắc chắn, không lay chuyển của ông trong quá trình giải trừ hạt nhân hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên”, Tuyên bố chung nêu rõ.

Như vậy, ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ tại nhiệm đầu tiên có cuộc hội đàm trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cũng là nhà lãnh đạo đương nhiệm đầu tiên của CHDCND Triều Tiên có cuộc gặp và đối thoại với người đồng cấp Mỹ.

Hai ông gọi đây là “sự kiện có ý nghĩa quan trọng to lớn, mở ra kỷ nguyên mới, vượt qua nhiều thập niên căng thẳng và thù địch giữa hai nước”.

Cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un mở ra trang sử mới cho quan hệ giữa hai nước. 			                                       Ảnh: Getty Images
Cái bắt tay lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un mở ra trang sử mới cho quan hệ giữa hai nước. Ảnh: Getty Images

Cái bắt tay lịch sử

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đến nơi hội đàm - khách sạn Capella trên đảo Sentosa của Singapore - sớm hơn Tổng thống Donald Trump 7 phút. Sự tôn trọng và thiện chí ấy còn được bộc lộ thêm một lần nữa khi họ bắt tay, ông Kim đã chào Tổng thống Mỹ: “Rất vui được gặp ông, ngài Tổng thống”. Và rồi cả thế giới chứng kiến hai nhà lãnh đạo bắt tay thật chặt, tới 12 giây như truyền thông Mỹ “đo” được.

Bà Jean H. Lee, chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm Wilson có trụ sở ở Mỹ cho rằng, cái bắt tay của họ sẽ đi vào lịch sử. Theo bà, người Triều Tiên sẽ coi đây là khoảnh khắc Mỹ thừa nhận Triều Tiên và đối xử với họ như một nước ngang bằng. “Việc Tổng thống Mỹ bay nửa vòng thế giới để gặp lãnh đạo của một “nước rất nghèo và rất nhỏ” trao cho ông Kim Jong-un nhiều lợi thế”, bà Lee nói.

Có lẽ hơn ai hết, nhà lãnh đạo Triều Tiên cảm nhận sâu sắc thời khắc đặc biệt này. Theo CNN, khi rời khỏi nơi hội đàm riêng để bước vào phiên hội đàm mở rộng, ông Kim Jong-un nói với Tổng thống Trump thông qua phiên dịch: “Nhiều người trên thế giới sẽ nghĩ điều này (cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều) như sự kỳ ảo… trong một bộ phim khoa học viễn tưởng”. Tại lễ ký thỏa thuận, ông Kim Jong-un cũng khẳng định, thế giới sẽ được chứng kiến “sự thay đổi lớn lao” và hai nhà lãnh đạo đã quyết định gác lại quá khứ.

Chiến tranh Triều Tiên sẽ sớm kết thúc

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng chiến tranh Triều Tiên rồi sẽ kết thúc, hơn 70 năm sau khi nó nổ ra. “70 năm trước, một cuộc xung đột cực kỳ đẫm máu đã tàn phá bán đảo Triều Tiên. Ngày nay, tất cả chúng ta đều hy vọng cuộc chiến này sẽ sớm kết thúc”, ông Trump nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Quá khứ không nhất thiết phải xác định tương lai. Xung đột của ngày hôm qua không phải là cuộc chiến ngày mai. Và như lịch sử đã chứng minh hết lần này đến lần khác, kẻ thù thực sự có thể trở thành bạn bè”.

Tổng thống Trump cho biết, ông muốn đưa binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc về nước. Song, ông khẳng định việc này có thể không được thực hiện ngay lập tức mà chỉ hy vọng sẽ diễn ra. Ông chủ Nhà Trắng cũng thông báo sẽ ngừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc nhưng các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ vẫn còn hiệu lực cho đến khi phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump sẽ đến thăm Bình Nhưỡng “vào một thời điểm nhất định” và nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng đã nhận lời mời đến thăm Nhà Trắng.

Song, Tuyên bố chung Mỹ - Triều không đề cập đến việc giải trừ hạt nhân có thể xác minh hoặc không thể đảo ngược. Nhà phân tích cao cấp Adam Mount tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng, ngôn từ được sử dụng trong Tuyên bố chung không mạnh mẽ như mong đợi.

Tuy nhiên, Tổng thống Trump khẳng định, hội nghị thượng đỉnh giữa ông và ông Kim Jong-un là “tốt cho cả Mỹ lẫn Triều Tiên”. “Tôi không từ bỏ điều gì. Tôi ở đây. Tôi đã không ngủ trong 25 tiếng đồng hồ, nhưng tôi nghĩ rằng đó là điều nên làm”, ông Trump nói.

"Quá khứ không nhất thiết phải xác định tương lai. Xung đột của ngày hôm qua không phải là cuộc chiến ngày mai. Và như lịch sử đã chứng minh hết lần này đến lần khác, kẻ thù thực sự có thể trở thành bạn bè”

 Tổng thống Mỹ Donald Trump

Thế giới hồi hộp và kỳ vọng

Trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều, có lẽ Tổng thống Moon Jae-in là nhà lãnh đạo hồi hộp nhất về diễn biến và thành công của sự kiện này. Trong cuộc họp nội các sáng 12-6 tại Seoul, Tổng thống Moon cho biết, cả đêm trước, ông gần như không ngủ với rất nhiều nỗi niềm và cả sự kỳ vọng…

Ông Moon là người đôn đáo, nhiệt tình nhất trong công cuộc tìm kiếm hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy đàm phán Mỹ - Triều. Kết thúc hội đàm giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Nhà Xanh ngay lập tức ca ngợi đây là cuộc “đàm phán thế kỷ”.

Trung Quốc cũng ca ngợi hội đàm thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên, kêu gọi “phi hạt nhân hóa toàn diện” để giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 12-6 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho rằng, sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên ký kết thỏa thuận “toàn diện” hướng tới tiến trình giải trừ hạt nhân, việc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên cũng cần được xem xét. (TRẦN ĐẮC LUÂN)

Thành phần tham dự thượng đỉnh

Phái đoàn tháp tùng Tổng thống Mỹ Donald Trump dự hội đàm thượng đỉnh tại Singapore bao gồm: Ngoại trưởng Mike Pompeo - người từng 2 lần đến Triều Tiên để gặp ông Kim Jong-un; Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly; Cố vấn An ninh quốc gia John Bolton - người có quan điểm cứng rắn với Triều Tiên; Thư ký báo chí Sarah Sanders; Giám đốc cấp cao Hội đồng An ninh quốc gia Matt Pottinger; ông Sung Kim, Đại sứ Mỹ tại Philippines, cũng là cựu quan chức phụ trách về chính sách Triều Tiên.

Phái đoàn tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có tới 4 phụ nữ gồm: bà Kim Yo Jong, em gái ông Kim Jong-un, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên phụ trách các vấn đề tuyên truyền; bà Choe Son Hui, Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên; bà Hyon Song Wol, phụ trách ban nhạc nữ Moranbong nổi tiếng; bà Kim Sung Hae, Giám đốc phụ trách một bộ phận thuộc Ban Mặt trận thống nhất của Triều Tiên, một tổ chức thuộc Đảng Lao động Triều Tiên chuyên giải quyết các vấn đề về quan hệ Hàn - Triều.

Ngoài ra, phái đoàn Triều Tiên còn có ông Kim Yong Chol, cố vấn chính sách tin cậy nhất của ông Kim Jong-un kể từ khi nhà lãnh đạo Triều Tiên bắt đầu quan điểm tiếp cận hòa bình với Mỹ và Hàn Quốc vào tháng 1-2018; ông No Kwang Chol, Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang nhân dân Triều Tiên; cựu Ngoại trưởng Ri Su Yong và Ngoại trưởng Ri Yong Ho.  (ĐỖ DƯƠNG)

4 điểm quan trọng trong thỏa thuận

1. Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết thiết lập mối quan hệ mới giữa hai nước phù hợp với nguyện vọng của nhân dân hai nước, vì một nền hòa bình và thịnh vượng.

2. Mỹ và CHDCND Triều Tiên sẽ hợp tác trong các nỗ lực gây dựng một nền hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên.

3. Tái khẳng định tầm quan trọng của Tuyên bố Banmunjom ngày 27-4-2018, CHDCND Triều Tiên cam kết hợp tác hướng tới quá trình giải trừ hạt nhân toàn diện của bán đảo Triều Tiên.

4. Mỹ và CHDCND Triều Tiên cam kết tìm kiếm và hồi hương hài cốt các tù nhân chiến tranh (POW/MIA), trong đó đưa về quê nhà ngay lập tức các trường hợp đã xác định được danh tính.

PHÚC LUÂN

;
.
.
.
.
.
.