Mỹ trấn an đồng minh châu Á

.

Chuyến công cán của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Seoul ngày 14-6 được cho là nhằm trấn an các đồng minh châu Á sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhất là khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngừng tập trận với Hàn Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại Seoul, Hàn Quốc. 							Ảnh: Reuters
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) gặp gỡ người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono tại Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Ngày 14-6, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gặp gỡ những người đồng cấp Hàn Quốc và Nhật Bản để xoa dịu sự lo lắng của hai quốc gia này khi Washington sẽ ngừng tập trận quân sự chung với Seoul.

Phát biểu với báo giới tại Seoul, ông Pompeo lý giải rằng, Tổng thống Donald Trump khẳng định các cuộc tập trận sẽ bị “đóng băng” với điều kiện các cuộc đàm phán cùng CHDCND Triều Tiên diễn ra một cách thiện chí và hiệu quả; hơn nữa, qua đó cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền lớn.

Song, ông Pompeo cảnh báo, Tổng thống Trump có thể nối lại việc tập trận với Hàn Quốc nếu CHDCND Triều Tiên không thể hiện sự thiện chí trong đàm phán.

Ngoại trưởng Pompeo khẳng định, Mỹ vẫn theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên “hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”. “Chúng ta đang tiến tới phi hạt nhân hóa”, ông Pompeo nói. “Chỉ khi đó mới dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt (đối với CHDCND Triêu Tiên)”, nhà ngoại giao này nói thêm.

Các cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc có lịch sử lâu đời, với các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn hằng năm. Với việc tổ chức tập trận cùng Hàn Quốc, Mỹ chứng minh cam kết bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong khu vực.

Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore, Tổng thống Trump còn hàm ý muốn rút 28.500 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc về nước. Như vậy, Nhà Trắng có thể đột ngột từ bỏ cam kết an ninh trong khu vực ngay cả khi CHDCND Triều Tiên chưa từ bỏ hạt nhân hoàn toàn; thậm chí, ông Trump còn mô tả các cuộc tập trận là “các trò chơi chiến tranh” và “hành động khiêu khích” - như cách Triều Tiên chỉ trích trước đây.

Theo Reuters, Nhật Bản bày tỏ quan ngại về kế hoạch của Tổng thống Trump ngừng tập trận với Hàn Quốc và cho rằng các cuộc diễn tập mang tính sống còn đối với an ninh vùng Đông Á. Năm ngoái, 2 tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay qua lãnh thổ Nhật Bản, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên càng thêm nóng.

Tokyo đang sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Báo Yomiuri cho hay, nhiều khả năng ông Abe sẽ thăm Bình Nhưỡng vào tháng 8 tới.

Trong lúc đó, một số chuyên gia tại Nhật Bản hoài nghi về tuyên bố của Tổng thống Trump. Theo báo New York Times, các chuyên gia cho rằng, chi phí tập trận mới là vấn đề cốt lõi dẫn đến quyết định của ông chủ Nhà Trắng.

Ngoài ra, một vấn đề lớn là nếu Mỹ rút 28.500 binh sĩ khỏi Hàn Quốc, Tokyo sẽ phải xem xét lại chính sách quân sự của nước này, nhất là khi Thủ tướng Abe đang theo đuổi mục tiêu tăng cường vai trò quân sự của Nhật Bản, trong đó có việc thay đổi hiến pháp hòa bình.

Đối với Hàn Quốc, Ngoại trưởng Kang Kyung-wha nói rằng, Seoul và Washington có cùng mục tiêu cũng như cách tiếp cận vấn đề phi hạt nhân hóa. Song, theo bà Kang, vấn đề tập trận chung cần được bàn thảo và quyết định qua các cuộc tham vấn giữa giới chức quân sự hai bên.

Tại cuộc họp Hội đồng An ninh quốc gia ngày 14-6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, Seoul có thể xem xét ngừng các cuộc tập trận chung với Mỹ để giúp xây dựng niềm tin và giảm căng thẳng với Triều Tiên.

Hiện chưa rõ các hình thức huấn luyện nào của binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc bị cấm trong khuôn khổ tập trận, theo kế hoạch mới. Hãng Yonhap cho rằng, với tuyên bố của nhà lãnh đạo Mỹ, các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Washington và Seoul dường như sẽ không diễn ra.

767 triệu USD là số tiền Singapore thu được từ việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều vào ngày 12-6. Con số này nhờ vào du lịch, bán hàng và phương tiện truyền thông, gấp 38 lần so với khoản tiền 20 triệu USD mà Singapore đã chi cho sự kiện lịch sử này.

(Theo The Straits Times)

Ngày 14-6, các quan chức quân đội cấp cao của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên có cuộc hội đàm cấp tướng hiếm hoi đầu tiên trong vòng 10 năm qua tại làng Panmunjom, biên giới giữa hai nước.

Cuộc gặp gỡ này ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 5, nhưng sau đó bị hoãn do CHDCND Triều Tiên hủy bỏ đàm phán cấp cao nhằm phản đối các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.
.