Trước thềm hội nghị thượng đỉnh liên Triều: Nhiều thách thức với Tổng thống Hàn Quốc

.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang đối mặt với áp lực từ những người bảo thủ trong nước không muốn ông nhượng bộ CHDCND Triều Tiên. Vì vậy, hội nghị thượng đỉnh liên Triều sẽ là phép thử đối với những nỗ lực của ông Moon trong việc mang lại một thỏa thuận hòa bình lịch sử.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Getty Images
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận hòa bình với CHDCND Triều Tiên. Ảnh: Getty Images

Hãng AP cho rằng, lịch sử các thỏa thuận bị đổ vỡ làm suy giảm niềm tin về khả năng đạt được một hiệp ước hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều ở làng đình chiến Panmunjom ngày 27-4 tới. Phe bảo thủ ở Hàn Quốc hiện gây sức ép lên Tổng thống Moon Jae-in, yêu cầu ông không nhượng bộ CHDCND Triều Tiên.

Theo AP, cuộc gặp sắp tới giữa ông Moon và nhà lãnh đạo Kim Jong-un là phép thử đối với những nỗ lực của người đứng đầu Nhà Xanh nhằm hướng đến một thỏa thuận hòa bình. Các nhà phân tích nhận định, công việc của ông Moon là duy trì đà tích cực cho cuộc gặp tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với ông Kim Jong-un xung quanh vấn đề phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Thực tế, nhìn thấy “cơ hội mở” từ Thế vận hội mùa đông diễn ra ở Hàn Quốc, Seoul đã sắp xếp các cuộc gặp giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ.

Các quan chức Hàn Quốc đã đến Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 3 vừa qua và trở về với thông điệp rằng, ông Kim Jong-un sẵn sàng bàn chuyện từ bỏ vũ khí hạt nhân với Tổng thống Moon Jae-in và Tổng thống Donald Trump - điều mà trước đó một vài tháng là điều không tưởng.

Tuy nhiên, chưa rõ Hàn Quốc có thể kiểm soát tiến trình này như thế nào, nhất là khi ông Kim Jong-un mới đây bất ngờ thăm Trung Quốc và gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình.

Các nhà phân tích nhận định, ông Kim Jong-un sẽ đề nghị Trung Quốc - đồng minh lớn then chốt của CHDCND Triều Tiên - “mềm hóa” các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia này.

Ông Kim cũng có thể tìm kiếm cam kết của Trung Quốc trong việc phản đối các biện pháp quân sự mà Mỹ có thể tiến hành nếu cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên sụp đổ và Bình Nhưỡng lại bắt đầu thử tên lửa.

CHDCND Triều Tiên đã bàn về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên từ những năm 1980 nhưng luôn kèm điều kiện rằng quân đội Mỹ phải rời Hàn Quốc; đồng thời Washington không được dùng hạt nhân để chống lại Bình Nhưỡng.

Ông Kim Jong-un luôn xem việc phát triển vũ khí hạt nhân là giải pháp phòng vệ chống lại “chính sách thù địch” của Mỹ cùng các đồng minh của Washington.

Ngày 19-4, Tổng thống Moon Jae-in nói rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un bày tỏ mong muốn “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” mà không đi kèm các điều kiện tiên quyết như việc Mỹ phải rút quân khỏi Hàn Quốc, nhưng vẫn muốn bảo đảm an ninh và Washington phải kết thúc chính sách “thù địch”.

Đây là thông tin bất ngờ bởi câu hỏi quan trọng được đặt ra là nhà lãnh đạo Triều Tiên có thực sự nghiêm túc về cam kết từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân hay không, và đổi lại ông Kim Jong-un sẽ đưa ra những yêu cầu gì đối với Mỹ.

Trong khi đó, với Washington và Seoul, phi hạt nhân hóa nghĩa là Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân. Với Seoul, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều còn nhằm duy trì bầu không khí tích cực cho đối thoại Mỹ - Triều Tiên, nghĩa là Tổng thống Moon sẽ phải gây áp lực để ông Kim chấp nhận quan điểm phi hạt nhân hóa nói trên.

Bên cạnh đó, Tổng thống Moon Jae-in đã cam kết xây dựng trên di sản “Chính sách Ánh dương” của các cố Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung và Roh Moo-hyun. Song, ông cũng mong muốn cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ khác biệt hoàn toàn so với các cuộc gặp thượng đỉnh của các cố Tổng thống với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il diễn ra lần lượt vào năm 2000 và 2007.

Hiện cũng có nhiều nghi ngại rằng, những nỗ lực của Tổng thống Moon sẽ thất bại và không thể có thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa hai miền Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Daniel Pinkston, nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học Troy (Hàn Quốc) nói rằng, chỉ cần các bên có thể nhất trí hợp tác để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và thiết lập một hiệp ước hòa bình thì đó là một thành công.

Kỳ vọng này có cơ sở khi Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 20-4 thiết lập đường dây điện thoại giữa các nhà lãnh đạo hai nước, giúp họ có thể đối thoại trực tiếp trước thềm hội nghị thượng đỉnh.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.