Số phận thỏa thuận hạt nhân Iran: Chờ nỗ lực ngoại giao của Pháp

.

Bắt đầu chuyến thăm Mỹ từ ngày 23-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn thuyết phục Tổng thống Donald Trump không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa nhóm P5+1 với Iran.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) muốn thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.        Ảnh: AFP
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) muốn thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump không hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AFP

Ngày 23-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chào đón người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đến Nhà Trắng. Cũng như bất kỳ nhà lãnh đạo thế giới nào khác, trong 3 ngày ở Mỹ, ông Macron muốn phát triển mối quan hệ thân thiết với ông Trump. Song, câu hỏi đặt ra là mối quan hệ Trump - Macron có đạt hiệu quả như mong muốn, trong lúc các nước châu Âu đang nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)?

Hãng AFP cho rằng, Tổng thống Macron có “nhiệm vụ phức tạp” khi phải thuyết phục Tổng thống Trump không rút khỏi thỏa thuận mà ông chủ Nhà Trắng cho là “tồi tệ” này. Thời gian cho các nhà lãnh đạo châu Âu không còn nhiều bởi ông Trump ra hạn chót ngày 12-5 để Anh, Pháp, Đức chỉnh sửa một số điều khoản trong JCPOA, nếu không Washington sẽ rút lui và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran.

Theo JCPOA, Iran đồng ý kiềm chế chương trình hạt nhân. Đổi lại, các nước sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Iran. Tuy nhiên, sau khi tiếp quản Nhà Trắng vào tháng 1-2017, Tổng thống Trump đe dọa rút khỏi thỏa thuận.

Châu Âu xem việc Mỹ từ bỏ JCPOA là thảm họa và nếu có ai có thể nói chuyện được với ông Trump về vấn đề này, đó chỉ có thể là nhà lãnh đạo trẻ của Pháp, ông Emmanuel Macron - người hiện có mối quan hệ tốt với Nhà Trắng hơn cả Thủ tướng Anh Theresa May và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Paris là đồng minh châu Âu đầu tiên của Mỹ đề nghị có biện pháp cứng rắn hơn chống lại các chương trình tên lửa đạn đạo của Iran nhằm bổ sung cho JCPOA. Bên cạnh đó, ông Trump cũng muốn cải cách thỏa thuận này để Iran không được phép dần tái khởi động các phần của chương trình hạt nhân sau năm 2025. Tuy nhiên, phương Tây không thể đơn phương xem xét lại những điều khoản đã ký với Iran hồi năm 2015.

Iran khẳng định, thỏa thuận giữa nước này với nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) là văn bản cuối cùng, đồng thời cảnh báo sẵn sàng trở lại chương trình hạt nhân nếu Mỹ rút khỏi JCPOA. Iran tuyên bố không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài các cam kết trong JCPOA và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này. Trả lời phỏng vấn truyền hình CBS trong chương trình “Face the Nation” ngày 22-4, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định, nước ông sẽ có một số lựa chọn nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, trong đó có việc nối lại các hoạt động hạt nhân.

JCPOA được xem là một thỏa thuận lịch sử, đánh dấu nỗ lực ngoại giao kéo dài của Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức, dưới sự bảo trợ của Liên minh châu Âu (EU). Giờ đây, chỉ có ông Trump muốn hủy bỏ thành quả đó. Các đại diện của Anh, Pháp và Đức đã có những cuộc trao đổi với ông Brian Hook, cố vấn cấp cao về chính sách của Ngoại trưởng Mỹ, xung quanh một thỏa thuận bổ sung. Song, một nhà ngoại giao Mỹ thừa nhận, việc thuyết phục ông Trump là khó khăn nhất. Để thuyết phục vị Tổng thống này, các nước châu Âu đang tìm kiếm một thỏa thuận chính trị để ngăn Iran trở lại con đường hạt nhân sau khi JCPOA hết hạn. Ngoại trưởng Javad Zarif nói rằng, thỏa thuận gốc đã đề cập đến cam kết của Iran về việc sẽ không bao giờ tìm kiếm bom hạt nhân và chính ông này cũng khẳng định Tehran chưa bao giờ có ý như vậy.

Vấn đề là nếu các cuộc đàm phán thất bại và Tổng thống Trump vẫn theo đuổi ý định ban đầu thì dường như sẽ không có kế hoạch B nào thay thế. Ông Macron cũng khẳng định như vậy khi trả lời hãng Fox News ngày 22-4. Sau chuyến thăm Washington của ông Macron, nhiệm vụ tiếp theo trong việc thuyết phục người đứng đầu Nhà Trắng được trao bà Merkel và “quả bóng” vẫn ở trong chân Mỹ.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.