Mỹ - Triều Tiên sẵn sàng đàm phán

.

CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên trực tiếp xác nhận sẵn sàng đàm phán xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ vào tháng tới, mở ra cơ hội về một hội nghị chưa từng có giữa hai nước.

Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump  dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5. 				Ảnh: CNN
Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Donald Trump dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5. Ảnh: CNN

Hãng AP cho biết, chính phủ CHDCND Triều Tiên đã liên lạc với Mỹ để xác nhận rằng, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẵn sàng thảo luận về chương trình vũ khí hạt nhân với Tổng thống Donald Trump. “Mỹ xác nhận ông Kim Jong-un sẵn sàng đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”, một quan chức chính phủ Mỹ nói với hai báo Wall Street Journal và Washington Post.

Đây là lần đầu tiên CHDCND Triều Tiên trực tiếp trao đổi với chính phủ Mỹ về cuộc gặp. Xác nhận trực tiếp này dĩ nhiên có giá trị hơn nhiều so với thông qua một nước thứ ba như Hàn Quốc, đồng thời khiến Mỹ càng tin cần thiết phải tổ chức một cuộc gặp thượng đỉnh như thế. Thực tế, theo một quan chức Mỹ, Washington và Bình Nhưỡng trong thời gian qua cũng đã tiến hành các cuộc đối thoại bí mật nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp chưa có tiền lệ.

Cuộc gặp sẽ diễn ra sau một năm căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên và những màn “khẩu chiến” gay gắt giữa lãnh đạo Mỹ - Bình Nhưỡng. Trước đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng, đã có ít nhất 2 hoặc 3 kênh liên lạc giữa các quan chức Nhà Trắng và CHDCND Triều Tiên. Song, chính phủ của Tổng thống Trump không cho biết thời gian và địa điểm cụ thể của cuộc gặp, chỉ biết rằng có thể diễn ra vào cuối tháng 5 tới.

Điều đáng nói là từ ngày 9-4, Mỹ chính thức có Cố vấn An ninh quốc gia mới: cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton. Ngày 11-4, Thượng viện Mỹ sẽ tiến hành phiên điều trần đầu tiên đối với ông Mike Pompeo - người được Tổng thống Trump đề cử làm Ngoại trưởng Mỹ. Cả hai nhân vật này được cho là có quan điểm hết sức cứng rắn trong vấn đề Triều Tiên, thậm chí ủng hộ các cuộc tấn công phủ đầu.

Hiện chưa rõ phía Triều Tiên định nghĩa khái niệm “phi hạt nhân hóa” như thế nào. Theo góc nhìn của Washington, “phi hạt nhân hóa” có nghĩa Bình Nhưỡng sẽ phải từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Chính phủ của Tổng thống Trump lâu nay giữ quan điểm:

Nếu CHDCND Triều Tiên không sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân thì không có lý do để hai nước ngồi vào bàn đàm phán. Vì vậy, việc ông Trump hồi tháng trước tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un gây bất ngờ lớn, đồng thời cũng có nghĩa là người đứng đầu Nhà Trắng đã “nhường ưu thế” về mặt ngoại giao cho phía Triều Tiên và đây cũng là thắng lợi trên phương diện ngoại giao của ông Kim.

Phía Triều Tiên trong những năm qua tuyên bố sẽ xem xét từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc và rút “chiếc ô hạt nhân” ở Hàn Quốc cũng như Nhật Bản. Trong cuộc tiếp xúc với một quan chức Hàn Quốc tháng trước, tuy Tổng thống Trump đã đồng ý ngay lập tức với đề nghị gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên nhưng phía Bình Nhưỡng vẫn giữ im lặng và đến nay mới lên tiếng xác nhận.

Trong thời gian qua, đã có những lo ngại rằng, Hàn Quốc có thể đã đánh giá quá mức thiện chí của nước láng giềng phía bắc trong việc sẵn sàng đàm phán và các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, Mỹ - Triều sẽ khó diễn ra như dự kiến.

Theo Reuters, mọi liên lạc giữa hai miền đến nay vẫn chỉ ở giai đoạn đầu. Hiện Mỹ hầu như chủ yếu dựa vào đồng minh Hàn Quốc để đoán biết ý định của ông Kim Jong-un. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc hoan nghênh về các kênh liên lạc giữa Washington và Bình Nhưỡng, cho rằng đây là sự phát triển “tích cực”.

Ngoại trưởng CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho đến thủ đô Mátxcơva ngày 9-4, bắt đầu chuyến thăm Nga và hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Sergei Lavrov nhằm thảo luận các vấn đề xung quanh cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều cũng như Mỹ - Triều.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.