Mỹ, Hàn Quốc, Triều Tiên định nghĩa thế nào về "phi hạt nhân hóa"?

.

Theo các nhà phân tích, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang không có cùng một định nghĩa về khái niệm “phi hạt nhân hóa”.

“Phi hạt nhân hóa” là điều được nói đến khá nhiều trong những tuần gần đây, từ Seoul đến Washington, cho tới Bắc Kinh.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 19-4 khẳng định Triều Tiên đã thể hiện cam kết "phi hạt nhân hóa” hoàn toàn bán đảo Triều Tiên và không nêu bất kỳ điều kiện nào.

Theo các nhà phân tích, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang không có cùng một định nghĩa về khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Ảnh: CNN
Theo các nhà phân tích, Mỹ, Hàn Quốc và Triều Tiên đang không có cùng một định nghĩa về khái niệm “phi hạt nhân hóa”. Ảnh: CNN

Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 27-3 dẫn lời ông Kim Jong-un nói rằng “Lập trường nhất quán của chúng tôi là cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo (Triều Tiên), phù hợp với mong muốn của cố lãnh đạo Kim Il-sung (Kim Nhật Thành) và cố lãnh đạo Kim Jong-Il (Kim Chính Nhật)”.

Trong khi đó, từ trước tới nay, truyền thông Triều Tiên không hề đề cập gì về chủ đề này, và những tuyên bố công khai của ông Kim Jong-un cũng rất mập mờ.

Khái niệm của Mỹ và Hàn Quốc

Mỹ và Hàn Quốc có chung một khái niệm về phi hạt nhân hóa. Theo ông Josh Pollack, nhà nghiên cứu cấp cao thuộc viện Nghiên cứu quốc tế Middlebury ở Monterey, khái niệm của Mỹ và Hàn Quốc là “CVID”, tức là chương trình hạt nhân của Triều Tiên được giải trừ hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Khái niệm này đã được Liên Hợp Quốc sử dụng trong các nghị quyết lên án Triều Tiên từ tháng 10/2006.

“Có thể kiểm chứng” tức là việc giải trừ chương trình hạt nhân của Triều Tiên phải được tiến hành dưới sự giám sát của các nhà quan sát độc lập. Các hoạt động thanh sát có thể được tiến hành bởi một cơ quan quốc tế như Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

“Không thể đảo ngược” là nhằm đảm bảo các cơ sở hiện nay không thể tái hoạt động sau khi giải trừ hạt nhân.

Khái niệm của Triều Tiên

Khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cam kết đàm phán về phi hạt nhân hóa trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 3, ông không hề nói Bình nhưỡng sẽ chấm dứt chương trình hạt nhân, mà ông nói đến “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

“Đối với ông Kim Jong-un, “phi hạt nhân hóa” áp dụng trên toàn bộ bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả Hàn Quốc”, ông David Maxwell, Đại tá nghỉ hưu của lực lượng đặc biệt thuộc Quân đội Mỹ cho biết.

Theo ông Pollack, dù Mỹ không còn triển khai vũ khí hạt nhân ở Hàn Quốc từ năm 1992, nhưng Triều Tiên coi sự hiện diện của quân đội Mỹ trên bán đảo là “mối đe dọa hạt nhân”. Ông nói rằng, “Triều Tiên bị đe dọa bởi sức mạnh quân đội Mỹ và Hàn Quốc, do đó họ cần vũ khí hạt nhân để ngăn chặn một cuộc “xâm lược” theo quan điểm của họ”.

Nhiều năm qua, Triều Tiên vẫn luôn khẳng định sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng như rút hệ thống các lá chắn hạt nhân của quốc gia này tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Bởi vậy, khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố về việc Triều Tiên cam kết "phi hạt nhân hóa” mà không nêu bất kỳ điều kiện nào, giới phân tích không thể không hoài nghi.

Các chuyên gia nói rằng, Bình Nhưỡng sẽ khó mà thay đổi được quan điểm về sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc. Đây có thể là sự nhượng bộ nhất thời trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh, hoặc là một cách để cố “gây chia rẽ giữa Mỹ và Hàn Quốc”.

Khó dự đoán

Suốt hàng chục năm, Mỹ và Hàn Quốc đã thúc đẩy việc phi hạt nhân hóa ở Triều Tiên. Năm 1991, Bình Nhưỡng và Hàn Quốc đã cùng ký “tuyên bố chung về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. Hai năm sau đó, Triều Tiên tuyên bố họ sẽ giải trừ chương trình hạt nhân để đổi lấy viện trợ quốc tế. Thế nhưng mỗi lần những lời hứa hẹn không được thực hiện và những cam kết không được tuân thủ ở cả hai phía, sự bất mãn và nghi ngờ ngày càng gia tăng.

Phát biểu tại bữa trưa với các đại diện truyền thông ngày 19/4, Tổng thống Hàn Quốc nêu rõ: “Tôi không nghĩ rằng hai miền Triều Tiên có định nghĩa khác nhau về phi hạt nhân hóa. Bình Nhưỡng cũng đang thể hiện thiện chí phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên mà không nêu bất kỳ điều kiện nào khiến Washington không thể chấp nhận, chẳng hạn như việc rút quân đội Mỹ khỏi Hàn Quốc. Tất cả những gì Bình Nhưỡng nhắc tới lúc này chỉ là chấm dứt những chính sách thù địch nhằm vào họ, đi cùng với đảm bảo an ninh”.

Tuy nhiên, ông Adam Cathcart, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Leeds ở Anh nói rằng việc giới chức Mỹ hy vọng ông Kim Jong-un sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là điều “viển vông, không tưởng”. Thực tế, có quá nhiều sự “thất tín” và quá ít “sự hiểu biết chung” giữa các bên có thể đi đến thỏa thuận “phi hạt nhân hóa” và điều này cũng khiến các cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới khó dự đoán có được những kết quả tích cực.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.