Khủng hoảng Nga - phương Tây: Khó có lối thoát

.

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây thời hậu Chiến tranh Lạnh liên quan vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal khó có lối thoát khi các bên đối đầu không khoan nhượng với những hành động “ăn miếng, trả miếng”.

Nga yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Saint Petersburg.                      Ảnh: AFP
Nga yêu cầu đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Saint Petersburg. Ảnh: AFP

Các nhà ngoại giao Nga bị Mỹ trục xuất đã về đến Mátxcơva ngày 1-4. Hãng AFP cho biết, 2 máy bay từ Washington và New York hạ cánh xuống sân bay Vnukovo của Mátxcơva, chở 171 người, trong đó có 60 nhà ngoại giao và gia đình của họ.

Mỹ cáo buộc 60 nhà ngoại giao này là gián điệp và trục xuất họ cũng như đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại Seattle. Mátxcơva đáp lại bằng việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ tại Saint Petersburg ngày 31-3.

Khủng hoảng sâu sắc trong quan hệ giữa Nga và phương Tây được đánh dấu bằng động thái “ăn miếng trả miếng”: làn sóng trục xuất các nhà ngoại giao. Với việc trục xuất 60 nhà ngoại giao Nga, Mỹ thể hiện rõ sự thay đổi quan điểm khi ủng hộ đồng minh Anh trừng phạt Mátxcơva xung quanh vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal và con gái ở thành phố Salisbury (Anh) hôm 4-3. Ông Skripal bị Nga buộc tội phản quốc vì từng bán bí mật cho Anh. Ông này đến Anh sinh sống nhờ một thỏa thuận trao đổi gián điệp.

Đến nay, tổng cộng hơn 150 nhà ngoại giao Nga bị trục xuất khỏi Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những quốc gia khác. Tuy không có bằng chứng nhưng Anh vẫn giữ quan điểm rằng, “có khả năng rất cao” Nga phải chịu trách nhiệm về vụ đầu độc bằng chất độc Novichok có từ thời Liên Xô cũ, trong khi Mátxcơva kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.

Những đòn trục xuất hàng loạt đang xóa tan kỳ vọng về khả năng cải thiện quan hệ giữa Nga và Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ của Tổng thống Donald Trump không muốn mối quan hệ này hoàn toàn đổ vỡ. Dù sao sự hợp tác của Mátxcơva rất cần thiết cho Washington trong việc giải quyết những vấn đề ngoại giao gai góc, chẳng hạn như chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên và Iran.

Ông Trump thường tỏ ra miễn cưỡng khi chỉ trích nhà lãnh đạo Putin. Lần này, ông chủ Nhà Trắng cho biết, ông và người đồng cấp Nga sẽ gặp gỡ tại một hội nghị thượng đỉnh trong tương lai gần. Đại sứ quán Mỹ tại Mátxcơva cũng khẳng định: “Lãnh sự quán đóng cửa nhưng công việc của chúng tôi nhằm thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nga vẫn tiếp tục”.  

Nga cũng đã ngay lập tức trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, đóng cửa Lãnh sự quán Anh tại Saint Petersburg, chấm dứt hoạt động của Hội đồng Anh tại Nga. Đây là sự đáp trả tương xứng việc London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Sergei Lavrov thăm Anh và trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.

Mới đây, cảnh sát Anh bất ngờ lục soát một máy bay của hãng hàng không Aeroflot của Nga tại sân bay Heathrow ở thủ đô London…

Giới phân tích cho rằng, sự đối đầu không khoan nhượng giữa các bên đẩy khủng hoảng ngoại giao vào bế tắc, khó tìm lối thoát. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhận định, cáo buộc đầu độc cựu điệp viên chỉ là cái cớ, mục tiêu chính của một số nước phương Tây là ngăn chặn vòng chung kết World Cup 2018 được tổ chức tại Nga và hơn thế nữa.

Song, theo TS. Nicholas Redman, Giám đốc phụ trách xuất bản thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) của Anh, căng thẳng giữa Nga - Mỹ nói riêng, Nga - phương Tây nói chung là giọt nước tràn ly từ quá trình tích tụ trong 10 năm qua.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây xấu đi sau những cáo buộc Mátxcơva can thiệp vào các cuộc bầu cử ở Mỹ và châu Âu; tiến hành tấn công và do thám trên mạng; can dự vào xung đột tại Ukraine và Syria… Vòng luẩn quẩn trừng phạt - đáp trả sẽ làm cục diện càng xấu, nhất là Nga chắc chắn sẽ có những biện pháp trả đũa tương xứng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lo ngại căng thẳng leo thang tương tự thời Chiến tranh Lạnh nhưng kịch bản này sẽ ít có khả năng tái diễn, khi các bên vẫn còn đan xen những lợi ích về kinh tế và an ninh.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.