Hy vọng hòa bình trên bán đảo Triều Tiên

.

Xung quanh tuyên bố của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un về việc nước ông ngừng mọi cuộc thử nghiệm tên lửa và hạt nhân, nhiều nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh động thái này, xem đây là dấu hiệu tích cực nhằm dọn đường cho các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều.

Tên lửa Hwasong-15 được CHDCND Triều Tiên phóng vào tháng 12-2017.		              Ảnh: AP
Tên lửa Hwasong-15 được CHDCND Triều Tiên phóng vào tháng 12-2017. Ảnh: AP

Theo tuyên bố của ông Kim Jong-un, việc dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa kể từ ngày 21-4 là chiến lược mới của CHDCND Triều Tiên. Nhà lãnh đạo này cũng nói rằng, Triều Tiên đóng cửa bãi thử hạt nhân ở miền bắc (bãi thử Punggye-ri) sau khi khu vực này đã hoàn tất sứ mệnh.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà phân tích nhận định, đây là lần thứ hai CHDCND Triều Tiên “xuống thang” mà không cần kèm theo điều kiện nào, sau việc thiết lập đường dây nóng giữa lãnh đạo hai miền trước thềm các cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Bước đi lớn” và bất ngờ của CHDCND Triều Tiên đón nhận những phản ứng trái chiều. Báo Newsweek cho hay, Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng các nhà lãnh đạo khác ca ngợi quyết định nói trên của CHDCND Triều Tiên. Trên Twitter, ông Trump gọi đây là “bước tiến quan trọng”, là “thông tin cực kỳ tốt lành cho Triều Tiên và thế giới”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho rằng, quyết định của CHDCND Triều Tiên sẽ góp phần xoa dịu căng thẳng, thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp chính trị.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ra tuyên bố nhận định, thông tin nói trên sẽ góp phần tạo bầu không khí tích cực cho các hội nghị thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều. Có lẽ Trung Quốc và Hàn Quốc hài lòng hơn cả. Bởi lẽ, nếu CHDCND Triều Tiên thực sự từ bỏ tên lửa và hạt nhân, Bắc Kinh sẽ không còn chịu áp lực từ Mỹ và phương Tây trong việc gây sức ép với Bình Nhưỡng.

Tấm vé hòa bình mà Bình Nhưỡng có được cũng là minh chứng cho việc Bắc Kinh đã “làm rất nhiều” để thúc giục người đồng minh “xuống thang”. Còn nỗ lực ngoại giao của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in suốt thời gian qua xem như mang lại hiệu quả tích cực.

Trong lúc đó, chính phủ Anh cũng cho rằng, đây là dấu hiệu thể hiện thiện chí của Bình Nhưỡng. Nga cũng ủng hộ quyết định của Bình Nhưỡng và kêu gọi Mỹ nên phản hồi bằng việc giảm tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Song, theo hãng Yonhap, Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiến hành cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Giải pháp then chốt” từ ngày 23-4.

Song, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tỏ ra thận trọng khi ông vừa hoan nghênh quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vừa cảnh báo rằng vẫn phải xem động thái của CHDCND Triều Tiên có dẫn đến “sự dỡ bỏ hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược chương trình hạt nhân” của quốc gia này hay không.

Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland thống nhất duy trì sức ép tối đa đối với CHDCND Triều Tiên nhằm buộc nước này phải thực sự từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa. Vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một trong những nội dung chính được bàn thảo tại hội nghị ngoại trưởng G7 diễn ra ở thành phố Toronto của Canada từ ngày 22 đến 23-4.

Tại thủ đô London của Anh, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop cảnh báo, không thể tin tưởng tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un trừ khi Bình Nhưỡng có những bước đi minh bạch cho thấy sẵn sàng từ bỏ chương trình vũ khí.

Không thể phủ nhận rõ ràng có sự nghi ngại trước tuyên bố của ông Kim Jong-un. Có lẽ lịch sử việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa và hạt nhân, nhất là khi nước này thử thành công bom nhiệt hạch (còn gọi là bom H) hồi năm ngoái, đã khiến một số quốc gia cũng như các nhà quan sát đi tìm “ẩn ý” trong lời nói của ông Kim Jong-un.

“Triều Tiên từng đưa ra vấn đề phi hạt nhân hóa, cam kết đóng băng chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Chúng tôi nhớ những cam kết này đều không được thực hiện trong những thập niên qua”, GS Nam Sung-wook, Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul nói.

Vậy Triều Tiên có thực sự từ bỏ tên lửa và hạt nhân hay không, hay chẳng qua là nước này đã làm chủ công nghệ vũ khí hạt nhân cũng như có khả năng ngăn cản một vụ tấn công hạt nhân? Dù sao đi nữa, quyết định của ông Kim Jong-un mở ra hy vọng lớn cho một vận hội mới trên bán đảo Triều Tiên: chính thức kết thúc chiến tranh liên Triều và ký kết hiệp ước hòa bình.

VĨNH AN

;
.
.
.
.
.
.