Khó thành lập "đại liên minh" chính phủ Đức

.

Đàm phán thành lập chính phủ Đức giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) và đảng trung tả Dân chủ Xã hội (SPD) phải kéo dài đúng như dự đoán, nhưng vẫn chưa thể hoàn tất thỏa thuận cuối cùng.

Chủ tịch SPD Martin Schulz (trái), Chủ tịch CSU Horst Seehofer (giữa) và Thủ tướng Angela Merkel đều lạc quan về thỏa thuận “đại liên minh”. 		   Ảnh: Getty Images
Chủ tịch SPD Martin Schulz (trái), Chủ tịch CSU Horst Seehofer (giữa) và Thủ tướng Angela Merkel đều lạc quan về thỏa thuận “đại liên minh”. Ảnh: Getty Images

Ngày 6-2, CDU/CSU của Thủ tướng Angela Merkel và SPD của ông Martin Schulz bước vào chặng cuối đàm phán tại thủ đô Berlin, thay vì kết thúc vào ngày 4-2, tìm kiếm thỏa thuận thành lập “đại liên minh” (còn gọi là GroKo) nhằm kết thúc khủng hoảng chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu.

Ông Schulz gọi ngày 6-2 là “ngày quyết định” khi 3 đảng (CDU, CSU và SPD) phải hoàn tất một thỏa thuận liên minh chung dựa trên nền tảng là “xây dựng một chính phủ ổn định cho người Đức”. Ông Schulz bày tỏ lạc quan về thỏa thuận mặc dù có rất nhiều bất đồng chưa được tháo gỡ. Hãng AFP cho biết, những bất đồng chính bao gồm: chăm sóc y tế, chính sách lao động và chi tiêu quốc phòng. Vấn đề hai bên đã đồng thuận chủ yếu về chính sách Liên minh châu Âu (EU); chẳng hạn, CDU/CSU và SPD nhất trí tăng cường đầu tư vào khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), ngừng thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ và chú trọng tạo việc làm cho giới trẻ trên toàn khối…

Theo Phó Chủ tịch CDU Julia Kloeckner, đàm phán có thể một lần nữa diễn ra qua đêm, nghĩa là kéo dài đến ngày 7-2 để chính thức đưa ra một thỏa thuận.

Làm Thủ tướng 12 năm, bà Merkel muốn có thêm nhiệm kỳ thứ 4 và bà phải “bắt tay” với SPD sau khi CDU/CSU không chiếm đa số ghế trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 9-2017. Tuy nhiên, các nhà bình luận cho rằng, đây là “liên minh của những người thất bại” bởi CDU/CSU và SPD đều giành kết quả kém nhất trong nhiều thập niên qua, trong khi đảng cực hữu “Con đường khác cho nước Đức” (AfD) trỗi dậy, giành gần 13% số phiếu. Ban đầu, bà Merkel tìm kiếm liên minh 3 bên với đảng Xanh và đảng Dân chủ Tự do (FDP) theo đường lối thân thiện với doanh nghiệp, nhưng đàm phán đã kết thúc mà không đạt được kết quả khi FDP tuyên bố rút khỏi bàn nghị sự hồi tháng 11-2017.

Đối mặt với khả năng bầu cử sớm - được cho là sẽ giúp AfD càng trỗi dậy, hoặc nước Đức sẽ có một chính phủ thiểu số không ổn định, Thủ tướng Merkel buộc phải quay sang “bắt tay” với SPD, từng là đối tác của bà trong 3 nhiệm kỳ kể từ năm 2005.

Hãng AFP cho rằng, ngay cả khi CDU/CSU và SPD ký thỏa thuận liên minh cũng sẽ không bảo đảm cho một chính phủ mới do bà Merkel dẫn đầu. Ông Schulz từng cam kết sẽ đưa thỏa thuận liên minh ra cuộc trưng cầu dân ý của 440.000 thành viên SPD. Theo các nhà quan sát, cuộc bỏ phiếu trả lời câu hỏi “có” hay “không” này sẽ chật vật bởi lực lượng cánh tả và những người trẻ trong SPD phản đối gay gắt việc hợp tác với CDU/CSU. Trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào đầu tháng 3 tới và nếu mọi việc tốt đẹp cho bà Merkel, một chính phủ sẽ được hình thành vào cuối tháng 3.

Khảo sát mới nhất do báo Bild của Đức thực hiện cho thấy, cuộc tranh luận kéo dài về việc thành lập liên minh đều làm tổn thương cả hai đảng chính thống. Theo thăm dò của Insa cho nhật báo Bild, tỷ lệ ủng hộ CDU/CSU giảm từ 33% còn 30,5%; trong khi tỷ lệ ủng hộ SPD trượt từ 20,5% xuống còn 17%. Với kết quả này, hai đảng sẽ khó có thể cùng nhau chiếm đa số trong Quốc hội. Tỷ lệ ủng hộ AfD hiện ở mức kỷ lục của đảng này (15%).

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.