Anh rót thêm tiền cho an ninh biên giới

.

Anh sẽ chi trả hàng chục triệu USD để bảo đảm an ninh biên giới với Pháp và ủng hộ sứ mệnh của quân đội Pháp khi hai nước cần xích lại gần nhau sau Brexit.

Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) thăm Calais, phía bắc nước Pháp, ngày 16-1.   Ảnh: AP
Tổng thống Emmanuel Macron (giữa) thăm Calais, phía bắc nước Pháp, ngày 16-1. Ảnh: AP

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Anh Theresa May với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Học viện Quân sự Sandhurst, gần thủ đô London, ngày 18-1 (giờ địa phương) được cho là thúc đẩy quan hệ về an ninh và tình báo giữa hai nước láng giềng. Giới chức London muốn có cuộc gặp để chứng minh mối quan hệ giữa Vương quốc Anh với các cường quốc khác sẽ không yếu đi khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu (EU) vào tháng 3-2019. Vì vậy, bà May đưa ra đề nghị rót tiền để giảm sự phiền toái của người Pháp xung quanh thỏa thuận năm 2003 - hiệp ước Le Touquet, vốn đặt việc kiểm soát biên giới của Anh ở Calais, thuộc vùng Hauts-de-France của Pháp.

Theo hiệp ước Le Touquet, cảnh sát Pháp được phép kiểm tra người nhập cư ở Anh và cảnh sát Anh được hoạt động ở Calais. Calais trở thành nơi thu hút hàng ngàn người di cư tìm cách vào Anh nhưng đặt ra gánh nặng cho Pháp khi phải phong tỏa lối đi lại này. Điện Elysée chẳng hài lòng về việc Pháp phải chịu chi phí quá lớn cho vấn đề tị nạn. Trước cuộc bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, ông Macron cảnh báo, Pháp không thể là “lực lượng bảo vệ bờ biển” của Anh nữa, đồng thời muốn đặt hiệp ước Le Touquet lên bàn đàm phán lại.

Hãng AP cho biết, Anh cũng đồng ý hiệp ước Le Touquet sẽ không tiếp tục như hiện tại, nghĩa là Anh chấp nhận “đạo luật bổ sung”, “điều khoản hoặc một hiệp ước mới”. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, chỉ có thể có một thỏa thuận bổ sung cho Le Touquet, chứ không có hiệp ước thay thế. Hiện London tuyên bố sẽ chi trả 44,5 triệu bảng Anh (62 triệu USD) cho việc triển khai các camera an ninh và những biện pháp khác ở Calais cũng như tại eo biển Manche.

Trong khi đó, Tổng thống Macron muốn Anh tiếp nhận thêm người tị nạn từ Calais, trả thêm chi phí để bảo đảm an ninh biên giới, để đổi lấy việc Pháp phê chuẩn thỏa thuận thương mại thời hậu Brexit. Song, một số nghị sĩ ủng hộ Brexit đã phản đối đề nghị này, cho rằng việc Anh phải trả thêm chi phí là quá vô lý. Trong khi đó, theo Thủ tướng May, hội nghị thượng đỉnh Anh - Pháp sẽ nhấn mạnh “những cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ người dân và duy trì các giá trị như dân chủ tự do khi đối mặt với bất kỳ mối đe dọa khủng bố nào ở trong nước hay nước ngoài”. Thực tế, Anh đang cần sự ủng hộ của Pháp trong tiến trình đàm phán Brexit với EU.

Theo báo The Telegraph, hàng trăm người di cư từ Iraq, Afghanistan, Eritrea, Ethiopia và những nơi khác đang lưu lại Calais với hy vọng có thể tiến vào Anh mặc dù cảnh sát đã giải tỏa trại tị nạn “rừng rậm” Calais vào cuối năm 2016. Có thời điểm có đến 8.000 người tị nạn sinh sống và mỗi tuần có gần 200 người trốn trong các xe tải từ Calais vào Anh mà không bị phát hiện.

Nếu không đạt được thỏa thuận với Anh, Pháp có thể sẽ xóa bỏ hiệp ước Le Touquet và hai nước này sẽ phục hồi đường biên giới trên eo biển Manche. Giới quan sát nhận định, kịch bản này sẽ không có lợi cho bên nào, nhất là sẽ càng làm Anh tách biệt với EU sau Brexit.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.
.