Nga tăng ảnh hưởng ở Trung Đông

.

Với chuyến công du 3 nước Trung Đông trong 4 ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin thể hiện vai trò đối tác đáng tin cậy, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào làn sóng tức giận ở khu vực này.

Tổng thống Vladimir Putin phát biểu với quân đội Nga tại Syria.                                 Ảnh: AP
Tổng thống Vladimir Putin phát biểu với quân đội Nga tại Syria. Ảnh: AP

Tổng thống Vladimir Putin đã bất ngờ đến Syria vào ngày 11-12; sau đó ông dừng chân ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, gặp gỡ các nhà lãnh đạo, ký một thỏa thuận lớn về năng lượng. Song, điều quan trọng là với chuyến công du này, người đứng đầu Điện Kremlin thể hiện là một chính khách có ảnh hưởng trên trường quốc tế. Theo báo Washington Post, trong khi Tổng thống Mỹ Donald Trump khơi mào làn sóng tức giận ở Trung Đông, Tổng thống Nga đóng vai trò là đối tác tin cậy của khu vực này.

Tại thủ đô Cairo, ông Putin tuyên bố lần đầu tiên nối lại các chuyến bay thương mại trực tiếp của Nga đến Ai Cập kể từ khi xảy ra vụ đánh bom một máy bay Nga ở quốc gia Trung Đông này năm 2015. Các cuộc hội đàm của ông với người đồng cấp nước chủ nhà Abdel Fattah el-Sissi xoay quanh việc ký thỏa thuận xây dựng nhà máy năng lượng hạt nhân Dabaa trị giá 30 tỷ USD, cũng như một thỏa thuận có thể đạt được, cho phép lực lượng không quân Nga sử dụng các căn cứ của Ai Cập. Ông chủ Điện Kremlin cũng kêu gọi nối lại tiến trình đàm phán hòa bình Israel - Palestine, kể cả về vấn đề Jerusalem.

Tại thủ đô Ankara, ông Putin gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, bàn thảo về các vấn đề quan hệ song phương và tình hình khu vực. Cuộc gặp gỡ lần thứ 8 giữa hai nhà lãnh đạo này trong năm 2017 là một minh chứng nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai nước đang được cải thiện đáng kể, từ sau vụ ám sát một đại sứ Nga ở Thổ và sau 2 năm lực lượng Thổ bắn rơi một máy bay Nga.

Còn với Syria, trong chuyến công du đầu tiên đến thành phố ven biển Latakia kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở quốc gia Trung Đông này vào tháng 9-2015, ông Putin đã gặp gỡ đồng minh Bashar al-Assad, tuyên bố chiến thắng IS và ra lệnh rút quân về nước. “Trong 2 năm, lực lượng quân đội Nga cùng quân đội Syria đã đánh bại nhóm có khả năng chiến đấu nhất của khủng bố quốc tế”, ông Putin phát biểu tại căn cứ không quân Hmeymim. Ngày 12-12, Nga bắt đầu rút một phần binh lính nhưng vẫn duy trì 2 căn cứ quân sự (căn cứ không quân Hmeymim và căn cứ hải quân Tartus) nhằm bảo đảm sự ổn định của Syria trong tương lai.

Báo Washington Post dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, trong khi Mỹ tự làm giảm vai trò truyền thống ở Trung Đông thì Nga mở rộng vai trò của mình. Hồi đầu năm nay, Tổng thống Trump đã cho phóng tên lửa vào một căn cứ không quân của chính phủ Syria sau khi cáo buộc Damascus thực hiện một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học vào dân thường. Từ đó, ông Trump hầu như ít quan tâm đến Syria và cũng kết thúc việc ủng hộ bí mật các phiến quân ôn hòa.

Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu quốc tế Pew đối với người dân ở nhiều nước Trung Đông cho thấy, 64% cho rằng Nga có ảnh hưởng trong các vấn đề của khu vực này hơn một thập niên trước. Trên nhật báo Sabah thân với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, học giả Thổ Nhĩ Kỳ Talha Kose viết: “Những động thái thất thường của chính phủ Tổng thống Trump như việc tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ chỉ làm giảm ảnh hưởng của Mỹ và mở đường cho Mátxcơva”.

Trong khi đó, theo ông Paul Salem ở Viện Trung Đông tại Washington, người Nga sẽ nắm bắt cơ hội để mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông và thể hiện vai trò một cường quốc. Những nỗ lực của Nga bao gồm xuất khẩu vũ khí và năng lượng hạt nhân dân dụng (như thỏa thuận với Ai Cập), tiếp cận các mỏ khí tự nhiên khổng lồ ở phía đông Địa Trung Hải...

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.