Mỹ sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel?

.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Động thái này có thể làm gia tăng căng thẳng ở Trung Đông.
 

Tổng thống Donald Trump thăm Bức tường than khóc hồi tháng 5-2017. Đây là điểm linh thiêng nhất của người Do Thái, nằm ở đông Jerusalem, hiện do Israel kiểm soát.		Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump thăm Bức tường than khóc hồi tháng 5-2017. Đây là điểm linh thiêng nhất của người Do Thái, nằm ở đông Jerusalem, hiện do Israel kiểm soát. Ảnh: Reuters

Hãng AP cho biết, tuần tới, Tổng thống Donald Trump sẽ có quyết định về việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Vậy là sau nhiều tháng thảo luận nghiêm túc tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump sẽ có quyết định nhằm cân bằng giữa yêu cầu chính trị trong nước với những áp lực địa chính trị xung quanh vấn đề trọng tâm trong cuộc xung đột Israel - Palestine, đó là vị thế của Jerusalem - thánh địa của các tôn giáo Do Thái, Hồi giáo, Thiên chúa giáo.

Theo AP, Tổng thống Trump đang nghiêng về kế hoạch sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Điều này trái ngược với những người tiền nhiệm của ông Trump. Các chủ nhân trước đây của Nhà Trắng đều khẳng định vấn đề nói trên phải được quyết định trong các cuộc đàm phán hòa bình.

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, Israel chiếm phần phía đông thành phố Jerusalem và sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ này, một động thái không được quốc tế công nhận. Israel coi toàn bộ thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình. Trong khi đó, người Palestine muốn phần đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Vì vậy, nếu Tổng thống Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel sẽ làm người Palestine cũng như một thế giới Arab mở rộng tức giận, đồng thời có thể hủy hoại những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm tái khởi động đàm phán hòa bình Israel - Palestine.

Vị thế của Jerusalem là một trong những vấn đề gai góc ngăn cản thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine. Động thái như thế của Mỹ sẽ làm thỏa mãn lực lượng cánh hữu thân Israel và làm hài lòng chính phủ Tel Aviv, đồng minh thân thiết của Washington.

Bên cạnh đó, các quan chức Mỹ cho biết, Tổng thống Trump sẽ tiếp tục chính sách của những người tiền nhiệm: chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem, nhưng hiện nay ông có thể tạm gác lại kế hoạch di dời. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert khẳng định: “Chưa có quyết định về vấn đề này”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm ngoái, ông Trump cam kết sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem. Song, tháng 6 vừa qua, ông ký sắc lệnh tạm thời tiếp tục đặt Đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv ít nhất thêm 6 tháng và nói rằng muốn “tối đa hóa các cơ hội” thúc đẩy hòa bình cho con rể, đồng thời là cố vấn cấp cao Jared Kushner. Những nỗ lực kiến tạo hòa bình ở Trung Đông của Mỹ đến nay vẫn ít đạt tiến triển.  

Các nhà lãnh đạo Palestine, các chính phủ Arab và các đồng minh phương Tây vốn thúc giục Tổng thống Trump không di dời Đại sứ quán. Tuy nhiên, nếu ông Trump tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel, thậm chí không ra lệnh di chuyển Đại sứ quán, thì chắc chắn cũng sẽ khơi mào cho những tranh cãi, bất đồng. Theo Reuters, câu hỏi đặt ra là một tuyên bố như vậy sẽ được xem là hành động chính thức của Tổng thống Trump, hay đơn giản chỉ là tuyên bố mang tính biểu tượng.

Trong cuộc họp tại Nhà Trắng hồi đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson cho rằng, việc di chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem sẽ tạo mối nguy hiểm lớn đối với các nhà ngoại giao và binh sĩ Mỹ đang đồn trú tại Trung Đông cũng như các nước Hồi giáo.
Quốc vương Jordan Abdullah II, người đã gặp gỡ Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Ngoại trưởng Tillerson trong tuần này ở Washington, cũng cho rằng di chuyển Đại sứ quán mà không có thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine thì sẽ tạo ra bất ổn khắp khu vực.  

Theo các nhà quan sát, Mỹ cũng đối mặt với rào cản pháp lý. Nếu công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel mà thiếu thỏa thuận hòa bình thì sẽ có thể vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc không công nhận chủ quyền của Israel đối với thành phố này. Mỹ có thể dùng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an và ngăn chặn những tuyên bố cho rằng Mỹ vi phạm nghị quyết. Tuy nhiên, hành động như thế sẽ gây rạn nứt giữa Mỹ và nhiều đồng minh thân thiết nhất.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.