Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel Bước đi nguy hiểm cho Trung Đông

.

 Bất chấp những chỉ trích, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về thành phố này.

Jerusalem là vùng đất thiêng của người Hồi giáo nhưng người Do Thái cũng xem đây là thánh địa tôn kính nhất. Ảnh: Getty Images
Jerusalem là vùng đất thiêng của người Hồi giáo nhưng người Do Thái cũng xem đây là thánh địa tôn kính nhất. Ảnh: Getty Images

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump vào chiều 6-12 (sáng sớm 7-12, giờ Việt Nam) về việc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel khơi mào làn sóng biểu tình ở Trung Đông. Hãng Reuters cho biết, phong trào Hồi giáo Hamas thúc giục người Palestine ngừng những nỗ lực hòa bình và tiến hành nổi dậy chống lại Israel nhằm phản đối quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Hàng chục người Palestine tập trung ở 2 điểm tại Gaza, hàng rào biên giới với Israel, ném đá vào binh sĩ của Nhà nước Do Thái. Bên trong Gaza, hàng ngàn người Palestine tuần hành. Trong lúc đó, quân đội Israel cũng triển khai thêm hàng trăm binh sĩ đến Bờ Tây...

Tổng thống Trump cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và quyết định này sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ, cũng như việc thúc đẩy hòa bình giữa Israel với Palestine. Kế hoạch chuyển Đại sứ quán Mỹ đến Jerusalem được cho là phải mất từ 3-4 năm.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, ông Trump đã đảo ngược chính sách của Mỹ, vốn được thực thi gần 40 năm qua đối với tiến trình hòa bình Trung Đông. Hơn nữa, động thái này đang phá hủy những nỗ lực hòa bình ở khu vực “chảo lửa”, làm xáo trộn thế giới Arab. Sự đảo ngược này đẩy Trung Đông trở lại tình trạng bất ổn, làm bùng phát làn sóng bạo lực mới giữa người Palestine và Israel.

Khi tranh cử tổng thống Mỹ cách đây 25 năm, ông Bill Clinton cam kết “ủng hộ Jerusalem là thủ đô của Israel”. Sau đó, khi tiếp quản Nhà Trắng, Tổng thống G.W.Bush chỉ trích người tiền nhiệm Clinton đã không theo đuổi cam kết, nhưng chính ông Bush cũng không làm được. Trong suốt chiến dịch tranh cử năm 2008, ông Barack Obama nói “sẽ chuyển Đại sứ quán đến Jerusalem” nhưng khi trở thành tổng thống, ông không bao giờ công nhận thành phố này là thủ đô của Israel. Tất cả các tổng thống lúc tại nhiệm: Bill Clinton, G.W.Bush và Barack Obama cứ 6 tháng một lần đều ký sắc lệnh hoãn di dời Đại sứ quán Mỹ ở Israel. 

Còn với Tổng thống Trump, ông đã thực hiện điều mà những người tiền nhiệm không thể làm suốt 22 năm qua kể từ khi Quốc hội Mỹ thông qua Luật Đại sứ quán Jerusalem vào năm 1995. Ông Trump cũng đã hiện thực hóa một trong những cam kết lúc tranh cử.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) sẽ nhóm họp vào hôm nay (8-12) để thảo luận về quyết định của Tổng thống Mỹ. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres từng khẳng định, không có giải pháp thay thế giải pháp hai nhà nước giữa Israel và Palestine, đồng thời cho rằng Jerusalem là vấn đề quy chế cuối cùng cần được giải quyết thông qua đàm phán trực tiếp. Với ông Guterres cũng như với nhiều quốc gia khác - kể cả các đồng minh của Mỹ như Pháp, Đức, vấn đề Jerusalem chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở giải pháp hai nhà nước. “Pháp và châu Âu ủng hộ giải pháp hai nhà nước: Israel và Palestine cùng chung sống trong hòa bình và an ninh, với đường biên giới được quốc tế công nhận và Jerusalem là thủ đô của cả hai”, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói. Trong lúc đó, Iran đưa ra hàng loạt chỉ trích rằng, Mỹ vi phạm các nghị quyết của LHQ về xung đột Israel - Palestine; Washington đang tìm cách gây bất ổn cho khu vực và khơi mào chiến tranh nhằm bảo vệ an ninh của Israel.
Song, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đánh giá, bước đi của Mỹ rất quan trọng và hướng đến hòa bình; theo đó, nhiều nước khác cũng sẽ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhà lãnh đạo này luôn giữ quan điểm rằng, một thỏa thuận với người Palestine phải bao gồm điều khoản: Jerusalem là thủ đô của Israel.

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967, Israel chiếm phần phía đông thành phố Jerusalem và sau đó sáp nhập vùng lãnh thổ này. Israel coi toàn bộ thành phố này là thủ đô không thể chia cắt của mình, trong khi người Palestine muốn phần đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai.

Vị thế của Jerusalem là một trong những rào cản cho thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, một tiến trình bị đình trệ hơn 3 năm qua. Ngoài ra, vấn đề đàm phán cũng vấp phải một khó khăn lớn khi Israel xây dựng các khu định cư mới ở đông Jerusalem. Các dự án xây dựng này từng châm ngòi dẫn đến các cuộc đụng độ Israel - Palestine năm 1990 và 1996.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.