Con đường tới Điện Kremlin lần thứ 4 của Tổng thống Putin

.

Là người chứng kiến sự phát triển của nước Nga từ thời Liên bang Xô Viết, Tổng thống Vladimir Putin đã được đào tạo chuyên nghiệp và trải qua nhiều vị trí công việc khác nhau trước khi chính thức tuyên bố tái tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 vào năm sau.

Tổng thống Putin từng được đào tạo làm điệp viên KGB (Ảnh: Washington Post)
Tổng thống Putin từng được đào tạo làm điệp viên KGB (Ảnh: Washington Post)

Ông Vladimir Putin sinh ngày 7-10-1952 tại Leningrad (thành phố St. Petersburg ngày nay). Cha ông từng là thủy thủ tàu ngầm trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Về con đường học vấn, năm 1975, ông Putin tốt nghiệp Khoa Luật (chuyên ngành Luật Quốc tế) tại Đại học Quốc gia Leningrad. Sau đó, ông trải qua khóa đào tạo điệp viên KGB tại Leningrad (năm 1976) và Moscow (năm 1979) tại Trường Cao cấp Dzerzhinsky thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB). Năm 1985, ông tốt nghiệp Học viện Andropov thuộc KGB (nay là Viện Cơ quan Tình báo nước ngoài Nga SVR). Ông sử dụng thành thạo tiếng Anh và tiếng Đức.

Về sự nghiệp chính trị, sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Leningrad, ông Putin được tuyển dụng vào làm việc tại KGB. Công việc đầu tiên ông được giao phó là ở phòng thư ký và sau đó là đơn vị phản gián của Văn phòng KGB Leningrad và Vùng Leningrad. Sau khi trải qua khóa đào tạo tại Moscow, ông được chuyển sang Phòng N. 1 (tình báo nước ngoài) của Văn phòng KGB Leningrad và Vùng Leningrad.

Ông Putin mặc đồng phục của KGB (Ảnh: Business Insider)
Ông Putin mặc đồng phục của KGB (Ảnh: Business Insider)

Từ năm 1985-1990, KGB chuyển ông Putin sang làm việc tại Dresden, Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức). Trong thời gian này, ông nắm giữ nhiều vị trí như điệp viên cấp cao, trợ lý và trợ lý cấp cao cho trưởng bộ phận. Ông quay trở lại Liên Xô vào tháng 1 năm 1990.

Từ tháng 2 năm 1990, ông Putin giữ chức vụ trợ lý các vấn đề đối ngoại cho hiệu trưởng Đại học Quốc gia Leningrad và sau đó là cố vấn cho Thị trưởng Leningrad Anatoly Sobchak. Tháng 7-1991, ông Putin tiếp tục được cất nhắc làm chủ tịch ban đối ngoại của Văn phòng Thị trưởng St. Petersburg với nhiệm vụ tăng cường quan hệ quốc tế và đầu tư nước ngoài.

Năm 1992, ông Putin được bổ nhiệm làm phó thị trưởng thành phố St. Petersburg trong khi vẫn giữ chức chủ tịch ban đối ngoại của văn phòng thị trưởng. Tới tháng 8-1996, ông đạt được bước tiến xa hơn trong sự nghiệp khi được bổ nhiệm làm phó Phòng Quản lý tài sản tổng thống Nga, giám sát các vấn đề liên quan tới luật và tài sản nước ngoài. Thời điểm này, ông Putin cũng chuyển tới thủ đô Moscow cùng gia đình.

Tổng thống Putin cùng các tướng lĩnh thị sát tập trận quân sự (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin cùng các tướng lĩnh thị sát tập trận quân sự (Ảnh: Reuters)

Bắt đầu từ tháng 3-1997, ông Putin giữ chức phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga và Cục trưởng Cục Kiểm tra Tổng thống Nga. Từ tháng 7-1998 đến 8-1999, ông giữ chức Giám đốc Cơ quan An ninh Nga (FSB). Trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến 8 năm 1999, ông cũng kiêm nhiệm chức Thư ký Hội đồng An ninh Nga.

Ngày 9-8-1999, Tổng thống Boris Yeltsin quyết định chọn ông Putin làm Thủ tướng mới của Nga, thay thế người tiền nhiệm Sergey Stepashin. Một tuần sau đó, Hạ viện Nga đã thông qua đề cử của Tổng thống Yeltsin và ông Putin chính thức trở thành Thủ tướng Nga.

Ngày 31-12-1999, Tổng thống Yeltsin tuyên bố từ chức, đặt toàn bộ sứ mệnh tổng thống vào tay Thủ tướng Putin. Ngày 26-3-1999, Nga tổ chức bầu cử sớm với 11 ứng cử viên tham gia và ông Putin giành chiến thắng chung cuộc với tỷ lệ 52,92% tỷ lệ ủng hộ. Lễ nhậm chức của ông diễn ra vào ngày 7-5-2000.

Tổng thống Putin ngày 6/12 tuyên bố sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Putin ngày 6-12 tuyên bố sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 (Ảnh: Reuters)

 Ngày 14-3-2004, Tổng thống Putin tiếp tục đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 với tỷ lệ ủng hộ áp đảo, lên tới 71,31%. Lễ nhậm chức của ông diễn ra vào ngày 7-5-2004. Do thời hạn của nhiệm kỳ tổng thống Nga bị giới hạn, ông Putin đã không tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 3. Từ ngày 8-5-2008 đến 7-5-2012, ông giữ chức Thủ tướng Nga trong nhiệm kỳ của Tổng thống Dmitry Medvedev. Cũng trong khoảng thời gian này, ông được bầu làm Chủ tịch đảng Nước Nga thống nhất.

Ngày 24-9-2011, Tổng thống Dmitry Medvedev đã đề nghị Quốc hội đưa ông Putin quay lại ghế tổng thống nhiệm kỳ thứ 3. Tháng 3-2012, ông Putin đắc cử Tổng thống Nga với tỷ lệ 63,6%. Bắt đầu từ năm 2012, nhiệm kỳ tổng thống Nga kéo dài lên 6 năm, theo đó Tổng thống Putin sẽ lãnh đạo nước Nga cho tới khi cuộc bầu cử mới diễn ra vào năm 2018.

Ngày 6-12 vừa qua, Tổng thống Putin chính thức xác nhận tái tranh cử tại cuộc gặp gỡ công nhân nhà máy GAZ ở Nizhny Novgorod. Giới quan sát cho rằng với tỷ lệ ủng hộ luôn ở mức cao, ông Putin có thể dễ dàng tái đắc cử nhiệm kỳ 4 trong cuộc bầu cử vào tháng 3 năm sau.

Tổng thống Putin chụp ảnh cùng vợ con năm 1985 (Ảnh: Getty)
Tổng thống Putin chụp ảnh cùng vợ con năm 1985 (Ảnh: Getty)

Trong hàng chục năm công tác, Tổng thống Putin đã được trao gần 20 giải thưởng và huân huy chương của chính phủ Nga và nước ngoài. Ông cũng là tiến sĩ danh dự của nhiều học viện và trường đại học ở Nga cũng như các nước trên thế giới. Năm 2007, tạp chí Time đã vinh danh Tổng thống Putin là “Nhân vật của năm”. Năm 2013, 2014, 2015 và 2016, ông Putin đều lọt vào danh sách các nhân vật quyền lực nhất do tạp chí Forbes bầu chọn.

Từ năm 1983-2014, Tổng thống Putin kết hôn với bà Lyudmila Putina. Sinh năm 1958, bà Lyudmila có bằng đại học về ngữ văn. Trước khi ly hôn, cặp đôi đã có 2 con gái là Maria (sinh năm 1985) và Katerina (sinh năm 1986). Cả hai con gái của ông Putin đều tốt nghiệp Đại học Quốc gia St. Petersburg.

Theo dantri

;
.
.
.
.
.