Châu Âu lo ngại nguy cơ khủng bố

.

Nếu so với các vụ tấn công khủng bố xảy ra trước đó tại Paris, Brussels và Manchester, vụ tấn công ở Tây Ban Nha vừa qua tuy có thương vong ít hơn, nhưng không phải vì thế mà làm châu Âu bớt lo ngại hơn.

Những người phụ nữ Hồi giáo chỉ trích khủng bố tại một lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng ở Barcelona, Tây Ban Nha. 					Ảnh: CNN
Những người phụ nữ Hồi giáo chỉ trích khủng bố tại một lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: CNN

Hơn 10 năm kể từ năm 2004, thời điểm xảy ra vụ đánh bom ở Madrid làm 191 người thiệt mạng và 1.800 người bị thương, người dân Tây Ban Nha mới phải hứng chịu một vụ tấn công khủng bố rúng động mặc dù mức độ sự việc nhỏ hơn nhiều. Nếu xét về phương diện an ninh châu Âu, vụ tấn công khiến 14 người chết và hơn 100 người bị thương ở khu Las Ramblas, xứ Catalan của một nhóm khủng bố được cho là đang “giãy chết” ở Syria, có thể thấy những nguy cơ từ chúng vẫn rất đáng lo ngại. Thế nên, cũng dễ hiểu khi ngay sau vụ tấn công ở Barcelona, một trong các lãnh đạo an ninh cấp cao nhất của châu Âu cảnh báo với người dân châu lục này rằng, họ đang đối mặt với nguy cơ khủng bố nghiêm trọng nhất trong một thế hệ.

Ông Rob Wainwright, Giám đốc điều hành tổ chức cảnh sát châu Âu (Europol), đã phát đi cảnh báo trên Twitter: “Khủng bố đang ở mức thô sơ và tàn bạo nhất. Đây cũng là thách thức rất lớn để cảnh sát có thể ngăn chặn”.

Lời cảnh báo này là rất thực bởi những gì vừa xảy ra tại Tây Ban Nha chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Riêng năm ngoái, châu Âu đã hứng chịu 47 vụ tấn công khủng bố khiến 142 người chết và 379 người bị thương. Hơn 90 âm mưu tấn công khác hoặc thất bại, hoặc bị lực lượng an ninh triệt phá thành công. Gần như tất cả những vụ việc này đều là sản phẩm của những kẻ khủng bố cực đoan.
Theo dữ liệu nghiên cứu về các xu hướng hành động của khủng bố ở châu Âu do Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) tại Washington công bố, người ta có thể quan sát thấy bối cảnh rộng hơn về sự thay đổi của những xu hướng này theo thời gian, đặc biệt trong khoảng từ năm 2011-2016.

Chuyên gia Tony Cordesman, một trong những tác giả báo cáo nghiên cứu của CSIS cho rằng, nếu quan sát các xu hướng hoạt động khủng bố từ năm 1970-2016, người ta sẽ thấy những thay đổi bất ngờ trên nhiều khía cạnh như mức độ bạo lực, mục tiêu tấn công, phương thức tấn công và các loại vũ khí được sử dụng ở mỗi nước. Theo đó, giai đoạn 2011-2016, trên toàn châu Âu xảy ra 1.356 vụ tấn công khủng bố. Kể từ năm 2004, dạng thức tấn công bằng các loại xe gia tăng. Tại Tây Ban Nha, một vài dữ kiện điều tra ban đầu cho thấy, các vụ tấn công ở Barcelona đã bất ngờ thay đổi phương thức tấn công và mục tiêu lựa chọn khi những kẻ khủng bố gặp sự cố bị mất vật liệu tạo bom.

Trong vụ việc ở Las Ramblas, những kẻ khủng bố sau khi lao xe vào đám đông đã nhảy ra ngoài và dùng dao cố tình sát hại thêm những người khác. Cách tấn công này cũng từng xảy ra ở Cầu London của Anh hồi tháng 3 và ngày 18-8 vừa qua ở Phần Lan. Theo dữ liệu của CSIS, về tổng thể, việc sử dụng vũ khí nóng trong tấn công khủng bố giảm từ 57 vụ năm 2015 xuống chỉ còn 6 vụ trong năm ngoái.

Nhiều âm mưu tấn công khủng bố đã bị triệt phá và các công cụ, trang thiết bị phát hiện sớm nguy cơ an ninh cũng hoạt động tốt hơn. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, chính xu hướng hành động ngày càng manh động và tàn bạo, cùng việc sử dụng các vũ khí thô sơ như xe và dao đã khiến việc phòng ngừa trở nên khó khăn hơn; theo đó, các vụ tấn công ngày càng trở nên khôn lường hơn. Chưa kể là nhiều kẻ tấn công, như vụ việc ở Barcelona, chưa từng nằm trong “sổ đen” của cảnh sát. Bất chấp những nỗ lực ngăn cản diễn biến cực đoan hóa, tình trạng này vẫn đang gia tăng trong nhóm các thanh niên trẻ theo đạo Hồi ở châu Âu.

Ngoài những biện pháp tăng cường an ninh, có lẽ hơn lúc nào hết châu Âu cần những giải pháp cụ thể, thiết thực, nhanh chóng để giải quyết những nguyên nhân gây cực đoan và nổi dậy, đặc biệt ở những đối tượng là người nhập cư theo đạo Hồi thế hệ thứ 2 và thứ 3 tại châu Âu. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn với những quốc gia như Pháp, Bỉ và Áo, từ đó giảm thiểu những chia rẽ và kỳ thị liên quan tới chủng tộc, tôn giáo trong cộng đồng.

Giới chuyên gia tại Anh cho rằng, để chống lại nguy cơ khủng bố đáng lo ngại tại châu Âu, cần áp dụng cách tiếp cận hợp tác chống khủng bố trên toàn châu lục. Đây phải là vấn đề mà Ủy ban châu Âu cũng như Hội đồng Bộ trưởng Liên minh châu Âu phải coi là ưu tiên hàng đầu. Một trong những lý do mà EU bị mất tín nhiệm chính là bởi những hoạt động của khối có vẻ còn chưa gắn liền với đời sống của những người dân bình thường. Nguy cơ khủng bố rõ ràng đã hiện diện khắp nơi và cần một sự chung tay hành động.
Các chính trị gia và các cơ quan tình báo trong khu vực nhận định: Nguy cơ khủng bố ở châu Âu vẫn tiếp tục tăng. Thực tế này có nguyên nhân từ xu hướng thoái trào của IS tại Syria và Iraq, cùng với đó là số lượng gia tăng của các chiến binh IS trở về châu Âu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.