Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên "hạ nhiệt"

.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang “hạ nhiệt”. Mỹ cũng bất ngờ tuyên bố sẵn sàng đàm phán với CHDCND Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên tuyên bố hoãn tấn công tên lửa về phía đảo Guam.  Trong ảnh: Gần 60 tên lửa của CHDCND Triều Tiên từng được giới thiệu tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 4-2017. 							Ảnh: AFP
CHDCND Triều Tiên tuyên bố hoãn tấn công tên lửa về phía đảo Guam. Trong ảnh: Gần 60 tên lửa của CHDCND Triều Tiên từng được giới thiệu tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 4-2017. Ảnh: AFP

Phát biểu của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị về sự “hạ nhiệt” trên bán đảo Triều Tiên được đưa ra khi ông điện đàm với người đồng cấp Đức Sigmar Gabriel ngày 16-8. Theo đó, ông Vương Nghị cho rằng, có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng xung quanh vấn đề Triều Tiên đang “hạ nhiệt”, nhưng vẫn chưa thể vượt qua “cuộc khủng hoảng tháng 8” nên cần sự phối hợp để giải quyết. Các nhà quan sát cũng có cơ sở để hy vọng về sự “hạ nhiệt” này, nhất là sau khi nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố tạm hoãn kế hoạch phóng tên lửa đến gần đảo Guam.

Hãng AP cho biết, Trung Quốc thúc giục Mỹ và CHDCND Triều Tiên “đạp phanh” đối với những lời đe dọa và cùng hướng đến một giải pháp hòa bình để tháo gỡ căng thẳng xung quanh chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng và việc quốc gia này dọa sẽ tấn công đảo Guam, lãnh thổ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Một tuyên bố được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng cho hay, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Bắc Kinh và Mátxcơva nên phối hợp để kiềm chế căng thẳng, đồng thời không cho phép bất kỳ ai “khuấy động sự cố trước cửa của họ”. Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc kêu gọi “hạ nhiệt căng thẳng” và ngăn chặn “cuộc khủng hoảng tháng 8”.

Trong lúc đó, ông Lavrov nhận định, căng thẳng có thể dấy lên trở lại với việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc diễn tập quân sự quy mô lớn vào ngày 21-8 tới. “Đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, giải pháp quân sự là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vấn đề hạt nhân trên bán đảo phải được giải quyết hòa bình bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao”, ông Lavrov nói.

Theo AP, ngày 16-8, phát biểu với báo giới khi đang ở thăm Bắc Kinh, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford bày tỏ hy vọng sức ép ngoại giao và kinh tế sẽ buộc CHDCND Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân. Song, ông Dunford để ngỏ khả năng dùng giải pháp quân sự. “Chúng tôi hy vọng một giải pháp hòa bình nhưng chúng tôi cần thảo luận nghiêm túc về những gì có thể xảy ra nếu dùng biện pháp quân sự”, Tướng Dunford cho biết.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trước đó bất ngờ khẳng định Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, ông Tillerson nhấn mạnh thời điểm bắt đầu đàm phán sẽ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên. Ông từ chối bình luận về tuyên bố của nhà lãnh đạo Kim Jong-un về việc hoãn phóng tên lửa, mà chỉ nhấn mạnh rằng Washington mong muốn tìm hướng đối thoại với Bình Nhưỡng.

Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi việc ông Kim Jong-un hoãn phóng tên lửa là “quyết định rất khôn ngoan và hợp lý”

Tuy nhiên, theo giới quan sát, những tín hiệu trên mới chỉ là bước đầu “hạ nhiệt” căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, được châm ngòi từ “khẩu chiến” gay gắt giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Như Ngoại trưởng Nga Lavrov nhận định, căng thẳng vẫn chưa được tháo gỡ khi Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị tập trận chung, vốn bị Bình Nhưỡng cáo buộc là “sự chuẩn bị cho hành động xâm lược”. Hơn nữa, Bình Nhưỡng hoãn kế hoạch tấn công chỉ vì muốn chờ xem động thái tiếp theo của Mỹ nên quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên này vẫn có thể có những hành động bất ngờ. Phía Mỹ cũng cho rằng, quyết định hoãn kế hoạch tấn công đảo Guam là chưa đủ và CHDCND Triều Tiên cần phải chứng minh được nỗ lực nghiêm túc để phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

"Đối với vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, giải pháp quân sự là hoàn toàn không thể chấp nhận được và vấn đề hạt nhân trên bán đảo phải được giải quyết hòa bình bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao”

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.