Bị Mỹ điều tra, Trung Quốc dọa trả đũa

.

Trung Quốc tuyên bố “sẽ không ngồi yên” nếu Mỹ điều tra các hoạt động thương mại của cường quốc châu Á này liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng, Washington sẽ “không mắt nhắm mắt mở nữa”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh điều tra hoạt động thương mại của Trung Quốc.  Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh điều tra hoạt động thương mại của Trung Quốc. Ảnh: AFP

Ngày 15-8, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc “nóng” lên sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh điều tra các hoạt động thương mại bị cho là bất hợp pháp của Trung Quốc, liên quan đến sở hữu trí tuệ. Cụ thể, ngày 14-8, giờ Mỹ (sáng 15-8, giờ Việt Nam), ông Trump ký “biên bản ghi nhớ về luật, chính sách, thực tiễn và hành động của Trung Quốc liên quan đến sở hữu trí tuệ, sáng kiến và công nghệ”; đồng thời chỉ đạo đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer xác định các chính sách của Trung Quốc có làm tổn hại đến các nhà đầu tư hoặc các công ty Mỹ hay không. Nếu có, rất có thể Mỹ sẽ áp lệnh trừng phạt đối với Trung Quốc.

Hãng AFP dẫn lời ông Trump tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ quốc gia nào buộc các công ty Mỹ chia sẻ công nghệ có giá trị một cách bất hợp pháp làm điều kiện tiếp cận thị trường. “Chúng tôi sẽ chống lại tình trạng vi phạm bản quyền vốn cướp đi cơ hội việc làm của người Mỹ”, ông Trump nói, đồng thời khẳng định “Washington sẽ không mắt nhắm mắt mở nữa”. Người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, việc bảo vệ tác quyền, thương hiệu bí mật thương mại và các tài sản trí tuệ khác có ý nghĩa sống còn đối với an ninh cũng như sự thịnh vượng của nước Mỹ.

Theo đó, đại diện Thương mại Robert Lighthizer sẽ có 1 năm để xem xét có nên điều tra chính thức nhằm vào Trung Quốc hay không, bởi ông cần có những kết quả sơ bộ về các hoạt động không công bằng của Bắc Kinh. Washington cho rằng, các hoạt động ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ của Trung Quốc có quy mô lên tới 600 tỷ USD.

Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc bày tỏ “sự quan ngại nghiêm trọng” và cảnh báo bất kỳ sự bảo hộ thương mại nào của Mỹ chắc chắn sẽ “làm tổn hại quan hệ thương mại song phương”. “Nếu Mỹ có hành động làm suy yếu quan hệ thương mại song phương, không quan tâm đến sự thật và không tôn trọng các quy tắc thương mại đa phương, Trung Quốc sẽ không ngồi yên”, tuyên bố nêu rõ. Theo đó, Trung Quốc sẽ thực thi tất cả các biện pháp phù hợp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc, sau Liên minh châu Âu (EU). Theo AFP, việc Mỹ bắt đầu điều tra sẽ không dẫn đến cuộc đối đầu giữa Washington với Trung Quốc ngay lập tức. Một số nhà quan sát cho rằng, động thái này là cách để Mỹ gây sức ép với Trung Quốc trong vấn đề CHDCND Triều Tiên.

Chuyên gia kinh tế trưởng của Trung Quốc Yang Zhao tại Công ty nghiên cứu Nomura nhận định: Việc Mỹ trừng phạt Trung Quốc sẽ chỉ gây ra tác động nhỏ đối với nền kinh tế của cường quốc châu Á này, song quyết định tiến hành điều tra có thể làm dấy lên nguy cơ chủ nghĩa bảo hộ thương mại “ăn miếng trả miếng”.

Kể từ khi đắc cử tổng thống Mỹ và nhậm chức, ông Trump thường xuyên cáo buộc Trung Quốc hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Năm 2016, thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc đạt 350 tỷ USD. Ông Trump đổ lỗi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là nguyên nhân làm mất cơ hội việc làm trong nhiều lĩnh vực của Mỹ như ngành thép. Tuần trước, Washington cũng tuyên bố áp thuế sơ bộ từ 16,5 - 81% đối với mặt hàng nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.

Khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên đến “bước ngoặt”

Hãng AFP cho biết, ngày 15-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, cuộc khủng hoảng hạt nhân CHDCND Triều Tiên đã đến “bước ngoặt” và đây là lúc bước vào đàm phán hòa bình. Bà Hoa Xuân Oánh bày tỏ hy vọng các bên có thể giải quyết căng thẳng bằng lời nói và hành động, chứ không đổ thêm dầu vào lửa.

Trong lúc đó, theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA, nhà lãnh đạo Kim Jong-un hoãn quyết định bắn tên lửa về phía đảo Guam khi chờ động thái tiếp theo của Mỹ. Song, ông Kim Jong-un cảnh báo sẽ tiếp tục động thái khiêu khích cao độ nếu Washington vẫn có “những hành động liều lĩnh”. Hãng AFP dẫn lời một số nhà phân tích nhận định: Phát biểu của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên mở ra khả năng giảm căng thẳng sau những cuộc “khẩu chiến” gay gắt giữa Washington và Bình Nhưỡng.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.