1 năm xảy ra vụ đảo chính bất thành: Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bất ổn

.

Ngày 15-7-2017 đánh dấu tròn 1 năm xảy ra vụ đảo chính bất thành nhằm lật đổ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Tuy vụ việc chỉ kéo dài trong vài giờ nhưng để lại những hệ lụy sâu sắc đối với chính trị và xã hội của quốc gia này.

Cảnh hỗn loạn trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm 15-7-2016.  	                               Ảnh: AP
Cảnh hỗn loạn trên đường phố Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm 15-7-2016. Ảnh: AP

Đêm thứ sáu 15-7-2016, một nhóm quan chức quân đội chỉ huy các máy bay chiến đấu, trực thăng và xe tăng tấn công các tòa nhà chính phủ ở thủ đô Ankara, trong đó có trụ sở Quốc hội và dinh Tổng thống. Họ phong tỏa cây cầu chính và quảng trường ở thành phố Istanbul, tấn công một số cơ quan chính quyền và tìm cách chiếm các đài truyền hình. Mục đích của lực lượng đảo chính là bắt giữ hoặc giết chết Tổng thống Erdogan, lúc đó đang có kỳ nghỉ tại khu nghỉ mát Địa Trung Hải.

Qua lời kêu gọi của ông Erdogan được phát sóng trên kênh CNN-Turk, hàng ngàn người đã đổ xuống đường ngăn chặn xe tăng và binh sĩ. Chỉ trong vài giờ, cảnh sát và lực lượng trung thành với chính phủ đã phá tan vụ đảo chính.

Tổng cộng 250 người chết, hơn 2.000 người khác bị thương. Trong đó có 53 cảnh sát thiệt mạng trong một cuộc tấn công nhằm vào các trụ sở của họ tại Ankara. Khoảng 30 đối tượng bị cho là lên kế hoạch vụ đảo chính cũng thiệt mạng.

Hãng AP cho rằng, vụ đảo chính là một thách thức lớn nhất đối với quyền lực của Tổng thống Erdogan, người đã lên nắm quyền từ năm 2003 với vai trò là Thủ tướng và sau đó trở thành Tổng thống. Sau vụ đảo chính, ông Erdogan giành thắng lợi trong cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 vừa qua, theo đó quyền lực của ông không hề yếu đi mà càng gia tăng. Các nhà chức trách cũng xem vụ đảo chính thất bại là một chiến thắng của nền dân chủ và đặt lại tên của cầu Bosphorus ở Istanbul là “Cầu của những người tử vì đạo ngày 15-7”.

Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đang đối mặt với sự cô lập trên trường ngoại giao, đặc biệt trong quan hệ căng thẳng với Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Hiện tại, Ankara đang tìm cách hạn chế những thiệt hại xung quanh khủng hoảng ngoại giao liên quan đến đồng minh Qatar ở vùng Vịnh. Hãng AFP dẫn lời Giám đốc Văn phòng Ankara thuộc Quỹ Marshall của Đức, ông Ozgur Unluhisarcikli, nhận định: “Một năm sau vụ đảo chính, Tổng thống Erdogan trở nên mạnh hơn”. Song, ông Unluhisarcikli cho rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ mạnh tay trấn áp lực lượng chống đối sau đảo chính làm suy yếu vị thế của nước này, nhất là đối với châu Âu và Mỹ.

Tổng thống Erdogan cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, hiện sống tại Pennsylvania (Mỹ), đứng sau vụ đảo chính. Ông Gulen được cho là đã tạo dựng được ảnh hưởng đến ngành tư pháp, cảnh sát và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ trong nhiều thập niên qua. Vị giáo sĩ này cũng từng là đồng minh của ông Erdogan.

Tại Pennsylvania, ông Gulen bác bỏ mọi cáo buộc. Song, Tổng thống Erdogan cam kết loại bỏ “virus” Gulen khỏi các thể chế của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ bước vào cuộc thanh trừng lớn nhất trong lịch sử hiện đại của nước này với việc hơn 50.000 người bị bắt giữ và 100.000 người bị sa thải. Ông Erdogan từng nói rằng, âm mưu đảo chính là “một món quà từ Chúa” vì nó sẽ giúp làm trong sạch quân đội khỏi “các thành viên của các băng đảng”.

Cuộc đảo chính quân sự là đỉnh điểm của bất ổn chính trị kéo dài tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong những tháng qua, quốc gia này vẫn bị chìm sâu trong các cuộc bắt bớ và thanh lọc. Đó là chưa nói đến những vụ tấn công khủng bố xảy ra do tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng đảng Công nhân người Kurd (PKK) thực hiện. Thêm vào đó là đối ngoại bấp bênh. EU chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm tự do và luật pháp với hàng loạt vụ trấn áp. Vấn đề viện trợ và miễn thị thực cho công dân Thổ để đổi lấy sự hợp tác của Ankara trong cuộc khủng hoảng người di cư gặp trở ngại, dẫn đến tiến trình gia nhập EU của Thổ cũng gặp nhiều khó khăn. Là thành viên tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và ứng viên tham gia khối EU nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không có được sự ủng hộ của châu Âu và Mỹ.

Mỹ hiện vẫn không chấp nhận dẫn độ ông Gulen. Một số đồng minh NATO thậm chí còn tiếp nhận tị nạn cho một số người bị cáo buộc âm mưu đảo chính. Những chỉ trích quốc tế càng làm Thổ Nhĩ Kỳ bị cô lập hơn bao giờ hết.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.