Xung quanh cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ

Tổng thống Trump công kích người tiền nhiệm

.

Sau khi tờ Washington Post công bố bài báo chấn động cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin can thiệp trực tiếp bầu cử Mỹ, Tổng thống Donald Trump công kích người tiền nhiệm Barack Obama đã không hành động kiên quyết hơn…

Tổng thống Donald Trump (giữa) tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. 					      Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump (giữa) tiếp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (trái) và Đại sứ Nga tại Mỹ Sergei Kislyak. Ảnh: Reuters

Ngày 24-6 (giờ Washington), một lần nữa Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có những phát ngôn mang tính công kích người tiền nhiệm Barack Obama khi cho rằng, ông Obama đã không hành động dứt khoát hơn để phản ứng lại những hành động can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 mà phía Nga bị cáo buộc có tham gia. Ông Trump thậm chí cho rằng, phản ứng chậm chạp của cựu Tổng thống Obama có thể vì muốn tránh những tổn thất cho chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Ông Trump viết trên Twitter: “Vì chính quyền của ông Obama đã được thông báo từ trước cuộc bầu cử 2016 về sự can thiệp của người Nga, vậy tại sao không hành động? Hãy tập trung vào họ, chứ không phải vào Trump!”. Ông Trump tiếp tục viết: “Quan chức thuộc chính quyền ông Obama bảo rằng, họ đã “bị nghẹt thở” khi phải hành động ứng phó với sự can thiệp bầu cử của Nga. Họ đã không muốn làm tổn thương bà Hillary chăng?”

Trước đó, theo thông tin trong bài điều tra của Washington Post, ông Obama và các quan chức cấp cao Mỹ biết về các hoạt động can thiệp bầu cử Mỹ của Nga từ tháng 8-2016. Tuy nhiên, ông Obama đã hành động chậm rãi và thận trọng vì lo ngại những hành động như thế có thể bị hiểu nhầm là sự can thiệp của Nhà Tắng vào bầu cử. Hơn nữa, trong giai đoạn tranh cử năm ngoái, phần lớn các thành viên của đảng Dân chủ đều khá an tâm rằng, bà Clinton sẽ dễ dàng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 8-11 nên họ cảm thấy không có gì quá bức thiết phải tiến hành những bước xử lý nhằm giải quyết những hành vi can thiệp đó. Chỉ sau cùng, ông Obama mới miễn cưỡng quyết định “sự trừng phạt khiêm tốn nhất” với Nga liên quan đến những can thiệp này; trong đó có trừng phạt kinh tế với một số cá nhân, đơn vị, trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga khỏi Mỹ và tịch thu hai tổ hợp ngoại giao của Nga.

Kể từ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái, một công tố viên đặc biệt đã được đề cử phụ trách riêng cuộc điều tra về những cáo buộc liên quan việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ; nhiều ủy ban Quốc hội khác cũng đang tham gia điều tra độc lập. Ngoài ra, giới tư pháp Mỹ đang rốt ráo điều tra những âm mưu cấu kết có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và chính giới Nga trong giai đoạn tranh cử.

Trong bối cảnh các tin tức liên quan đến cuộc điều tra về quan hệ giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và chính giới Nga vẫn đang có những tiến triển khá chậm, mối quan hệ trên thực tế giữa Mátxcơva và Washington đang mỗi lúc một căng thẳng hơn. Mới đây là chuyện Mỹ bắn hạ một máy bay Nga trên không phận của Syria, dẫn đến việc Mátxcơva đe dọa sẽ bắn hạ mọi máy bay của Washington nếu bay vào khu vực bị xem là mục tiêu có thể bị tấn công. Sau đó, Nga tuyên bố hủy một cuộc họp ngoại giao cấp cao đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm giải quyết những khúc mắc đang tồn tại trong quan hệ giữa hai bên. Theo đó, đây là cuộc hội đàm dự kiến giữa Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Tom Shannon tại St. Petersburg. Quyết định hủy bỏ được phía Nga thông báo sau khi Mỹ công bố quyết định mở rộng thêm các lệnh trừng phạt chống lại các cá nhân và những thực thể pháp lý của Nga nhằm phản ứng với cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra tại Ukraine.

Trong khi đó, Lầu Năm Góc vừa đệ trình Quốc hội bản đề xuất dự kiến ngân sách cho năm tài chính 2018, trong đó có gần 4,8 tỷ USD cho sáng kiến trấn an châu Âu, nhằm hỗ trợ các đồng minh châu lục này trong việc tăng cường năng lực quốc phòng để ứng phó với Nga.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.