Thế khó của Tổng thống Pháp

.

Các đồng minh của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rút khỏi chính phủ, gây khó khăn cho ông chủ Điện Elysee trong việc cải tổ nội các sau khi đảng của ông giành thắng lợi lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội.

Tổng thống Emmanuel Macron (trái) sẽ phải thay thế các Bộ trưởng của đảng Phong trào Dân chủ.                    Ảnh: AFP
Tổng thống Emmanuel Macron (trái) sẽ phải thay thế các Bộ trưởng của đảng Phong trào Dân chủ. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, đảng Phong trào Dân chủ (MoDem) đang bị điều tra vì cáo buộc sử dụng ngân quỹ của Nghị viện châu Âu sai mục đích. Ngày 21-6, Chủ tịch MoDem, ông Francois Bayrou - đồng minh thân thiết của ông Emmanuel Macron từ chiến dịch tranh cử tổng thống hồi tháng 2 vừa qua đến nay - từ chức Bộ trưởng Tư pháp. Một ngày trước đó, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu Marielle de Sarnez từ nhiệm. Không những thế, Bộ trưởng Quốc phòng Sylvie Goulard cũng tuyên bố từ chức chỉ sau một tháng giữ cương vị này do liên quan bê bối sử dụng công quỹ sai mục đích. Như vậy, chỉ trong vòng 24 giờ, MoDem mất đến 3 vị trí trong nội các.

Chưa rõ cáo buộc nói trên là đúng hay sai, bởi cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành. Song, việc từ nhiệm của các bộ trưởng thuộc MoDem đặt Tổng thống Macron vào thế khó khi ông chủ trương cải tổ nội các và xây dựng một chính phủ trong sạch sau hàng loạt scandal liên quan đến nội các dưới thời người tiền nhiệm Francois Hollande.

Ngoài ra, ông Richard Ferrand, Bộ trưởng đặc trách và là Tổng Thư ký đảng Nền Cộng hòa Tiến bước (REM), dự kiến rời chính phủ khi bị điều tra về việc thực hiện các giao dịch tài chính mờ ám từ 6 năm trước khi ông điều hành một quỹ bảo hiểm y tế tại khu vực Brittany.

Đắc cử Tổng thống Pháp vào ngày 7-5 vừa qua, ông Macron quyết tâm vẽ lại bản đồ chính trị của nước Pháp với các chương trình cải cách về lao động, kinh tế, xã hội, an ninh, theo những gì ông đã cam kết trong chiến dịch tranh cử. Song, việc các bộ trưởng từ nhiệm, trong đó có 3 người thuộc MoDem - liên minh của REM - cho thấy, Tổng thống Macron sẽ mất các đối tác trung lập khi ông đang tìm cách xây dựng một chính phủ liên minh để thúc đẩy chương trình cải cách đầy tham vọng của mình. Ông Bayrou là người ủng hộ chủ chốt đối với phong trào của ông Macron trong chiến dịch tranh cử. Hơn nữa, sự ủng hộ này cũng rất quan trọng đối với một chính trị gia 39 tuổi còn thiếu kinh nghiệm chính trường như ông Macron.  

Đảng REM của Tổng thống Macron giành thắng lợi lớn trong cuộc tổng tuyển cử khi có được 308/577 ghế của Quốc hội vào ngày 18-6 vừa qua, trong khi MoDem chỉ giành được 42 ghế. Tất nhiên, Tổng thống Pháp không cần phụ thuộc vào một đảng nhỏ hơn để thúc đẩy các chương trình của mình tại Quốc hội. Nhưng ông phải thay thế các bộ trưởng MoDem bằng các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa bảo thủ - những người có thể đứng về phía lực lượng đối lập cánh tả. Chính đảng Cộng hòa bảo thủ đã kêu gọi hai Bộ trưởng Bayrou và Marielle de Sarnez rời cương vị.

Thêm vào đó, các cáo buộc nói trên sẽ phủ bóng lên chính phủ mới, nhất là khi ông Francois Bayrou từng tiết lộ chi tiết về một dự luật làm trong sạch nền chính trị Pháp, hướng đến xây dựng niềm tin. Song, báo The Telegraph dẫn lời người phát ngôn của chính phủ Christophe Castaner nói rằng, quyết định rút khỏi nội các của ông Bayrou là “sự lựa chọn cá nhân”, “làm đơn giản hóa tình hình”.

Đảng Cộng hòa đương nhiên nắm lấy cơ hội này, mô tả đây là “scandal chính trị” và “một cuộc khủng hoảng lớn của chính phủ”. “1/4 chính phủ đã ra đi”, Phó Chủ tịch đảng này, ông Laurent Wauquiez nói.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.