Mỹ gia tăng áp lực với Triều Tiên

.

Mỹ sẽ chủ trì cuộc gặp gỡ với 2 quan chức cấp cao của Trung Quốc vào hôm nay (21-6) để tăng cường đối thoại giữa 2 cường quốc hàng đầu thế giới và thúc giục Bắc Kinh gia tăng áp lực với CHDCND Triều Tiên.

Bức ảnh chụp ngày 29-2-2016 cho thấy Otto Warmbier khóc khi phát biểu với báo giới tại Bình Nhưỡng. Warmbier đã qua đời tại Mỹ sau khi được Bình Nhưỡng phóng thích. 		Ảnh: AFP
Bức ảnh chụp ngày 29-2-2016 cho thấy Otto Warmbier khóc khi phát biểu với báo giới tại Bình Nhưỡng. Warmbier đã qua đời tại Mỹ sau khi được Bình Nhưỡng phóng thích. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, ngày 21-6, Ngoại trưởng Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ chào đón Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Phòng Phong Huy tham gia “Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung”. Theo quyền trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton, đối thoại sẽ tập trung vào vấn đề CHDCND Triều Tiên. “Chúng tôi tiếp tục thúc giục Trung Quốc sử dụng đòn bẩy của mình là đối tác thương mại lớn nhất của CHDCND Triều Tiên và thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc”, bà Thornton nói, đề cập đến những nỗ lực ngăn chặn chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh vẫn duy trì cam kết loại bỏ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và sẽ làm việc với Mỹ cũng như các bên liên quan để tái khởi động đàm phán về vấn đề này.

Theo AFP, bất chấp sự chỉ trích và các biện pháp trừng phạt của quốc tế, CHDCND Triều Tiên đã xây dựng một kho vũ khí hạt nhân nhỏ và đang phát triển các tên lửa đạn đạo có khả năng mang tên lửa có thể đe dọa Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí một số thành phố của Mỹ. Washington hiện có khoảng 28.000 binh sĩ đồn trú tại Hàn Quốc và một hạm đội hải quân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng chưa thể gây ảnh hưởng về ngoại giao và kinh tế đối với CHDCND Triều Tiên.

Mối quan hệ giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên hiện leo thang sau khi Otto Warmbier, sinh viên Mỹ vừa được Bình Nhưỡng phóng thích, trở về quê nhà ở Ohio trong tình trạng hôn mê hồi tuần trước, đã qua đời vào ngày 19-6. Warmbier đi du lịch đến CHDCND Triều Tiên, bị bắt giữ và kết án hồi tháng 3-2016 với mức án 15 năm lao động khổ sai vì tội lấy trộm một biểu ngữ tuyên truyền chính trị trong một khách sạn. Đến thời điểm được phóng thích, Warmbier đã bị CHDCND Triều Tiên giam giữ hơn 17 tháng. Trong lúc hôn mê tại Trung tâm y tế Cincinnati (Ohio, Mỹ), Warmbier được chẩn đoán bị tổn thương thần kinh nghiêm trọng nhưng các bác sĩ vẫn chưa xác định nguyên nhân não của anh bị tổn thương.  
Ngày 20-6, Trung Quốc bày tỏ sự đau buồn xung quanh cái chết của Warmbier, đồng thời thúc giục Mỹ và CHDCND Triều Tiên giải quyết căng thẳng thông qua đối thoại.

Về phía Mỹ, Bộ Ngoại giao cảnh báo về việc du lịch đến CHDCND Triều Tiên. Theo AP, hầu hết tất cả công dân Mỹ sống ở CHDCND Triều Tiên đều không gặp sự cố nhưng khách du lịch Mỹ đến quốc gia châu Á này lại có thể bị bắt và giam giữ kéo dài. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc bắt giữ Warmbier, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng thả 3 công dân Mỹ. Tổng thống Donald Trump cho rằng, số phận của Warmbier củng cố thêm quyết tâm của chính phủ Mỹ trong việc ngăn chặn các thảm kịch tương tự xảy ra. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng thúc giục Bình Nhưỡng nhanh chóng thả các công dân Hàn và Mỹ đang bị giam giữ.

Hiện Công ty du lịch Trung Quốc Young Pioneer Tours thông báo không tiếp tục tổ chức tour cho người Mỹ đến CHDCND Triều Tiên vì rủi ro cao. Điều đáng nói là cái chết của Warmbier làm dấy lên những tranh cãi tại Mỹ, trong đó nhiều ý kiến đòi Tổng thống Trump gia tăng sức ép lên CHDCND Triều Tiên. Theo ông Bruce Klinger, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Heritage thuộc Trung tâm nghiên cứu châu Á, ông chủ Nhà Trắng có quan điểm cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng và trong đối thoại ngày 21-6 với phía Trung Quốc, Washington cần đưa ra những thông điệp rõ ràng về việc chuẩn bị áp dụng các biện pháp trừng phạt gián tiếp nhằm vào các công ty của Trung Quốc làm ăn với CHDCND Triều Tiên. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng, Washington thậm chí có thể đòi Bắc Kinh giải thích và phản đối bất kỳ kênh ngoại giao nào được đưa ra.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.