Các nước Arab ra yêu sách với Qatar

.

Cho Qatar 10 ngày để thực hiện mọi yêu sách, trong đó có việc đóng cửa Đài truyền hình al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran, ngừng tài trợ tiền cho các tổ chức khủng bố, có vẻ như các hàng xóm vùng Vịnh đang làm khó quốc gia nhỏ bé này.

Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hơn 100 máy bay chở lương thực và viện trợ khác đến Qatar nhưng đây là lần đầu tiên đưa tàu chở hàng viện trợ đến quốc gia vùng Vịnh này. 						                    Ảnh: AFP
Thổ Nhĩ Kỳ đã điều hơn 100 máy bay chở lương thực và viện trợ khác đến Qatar nhưng đây là lần đầu tiên đưa tàu chở hàng viện trợ đến quốc gia vùng Vịnh này. Ảnh: AFP

Bản yêu sách do Kuwait, quốc gia đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng vùng Vịnh, thay mặt các hàng xóm của Qatar gửi tới chính phủ nước này. Theo đó, việc thực thi 13 yêu sách nghiêm ngặt được cho là cái giá mà Qatar phải trả nếu muốn được gỡ bỏ lệnh cấm vận về thương mại và ngoại giao với họ kéo dài 2 tuần qua.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi 4 quốc gia Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Bahrain và Ai Cập sớm đưa ra những yêu cầu cụ thể để tháo gỡ căng thẳng đang leo thang ở vùng Vịnh. Ông Tillerson nhấn mạnh khuyến nghị rằng, liên minh 4 nước, dẫn đầu là Saudi Arabia, cần đưa ra những yêu sách “hợp lý và có tính khả thi” để sớm giải quyết cuộc xung đột vùng Vịnh vốn sẽ chẳng mang lại lợi ích trọn vẹn cho bất cứ bên nào. Dẫu thế, thì ở một góc độ khác, có thể thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump phần nào tỏ ra đồng cảm hơn với lập trường của Saudi Arabia trong công cuộc “trừng phạt” Qatar.

Theo đó, có thể liệt kê yêu sách mà những người hàng xóm muốn Qatar phải thực thi trong vòng 10 ngày bao gồm: đóng cửa kênh truyền hình al-Jazeera và các chi nhánh, cùng với đó là các đơn vị truyền thông khác do Qatar tài trợ kinh phí hoạt động; đóng cửa một căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động tại Qatar; trục xuất mọi công dân của Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Bahrain hiện sống tại Qatar; giao trả lại tất cả những đối tượng đang bị 4 quốc gia nói trên truy nã vì tội khủng bố; ngừng rót tiền cho những tổ chức cực đoan bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố; cung cấp thông tin chi tiết về các nhân vật đối lập mà Qatar đã tài trợ tiền; chấm dứt các cơ sở ngoại giao của Qatar tại Iran; trục xuất mọi thành viên thuộc lực lượng Vệ binh cách mạng của Cộng hòa Hồi giáo Iran và chỉ được phép tiến hành các hoạt động thương mại, mậu dịch với Tehran trong khuôn khổ cho phép thuộc các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Căng thẳng ngoại giao tại vùng Vịnh bùng phát từ ngày 5-6, sau khi Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Bahrain cùng một số nước khác cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar, vì cho rằng Doha ủng hộ khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của các nước trong khu vực. Qatar bác bỏ những cáo buộc này, cho rằng các nước láng giềng đang tìm cách can thiệp vào chính sách đối ngoại của Doha. Nếu Qatar chấp nhận tuân thủ bản yêu sách nói trên, các nước láng giềng cũng ghi rõ điều kiện họ sẽ kiểm tra quá trình thực thi của Qatar mỗi tháng 1 lần trong năm đầu tiên, sau đó là mỗi quý một lần trong năm thứ hai. Trong 10 năm tiếp theo, Qatar phải chấp nhận bị thanh kiểm tra thường niên về chuyện thực thi những yêu sách này.

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Fikri Isik bác bỏ đề nghị về việc nước này cần xem xét lại hoạt động của căn cứ quân sự của họ tại Qatar, đồng thời cho rằng bất cứ bên nào yêu cầu đóng cửa hoạt động của căn cứ đó sẽ là động thái can thiệp vào mối quan hệ giữa Ankara và Doha.

Trước đó, Qatar từng tuyên bố sẽ không bao giờ tiến hành các cuộc đối thoại nghiêm túc với các nước láng giềng chừng nào lệnh cấm vận về ngoại giao, thương mại với họ vẫn còn thực thi. Thực tế, quốc gia nhỏ bé này cũng đang ngày càng trở nên phụ thuộc nhiều hơn vào Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ lúc các nước áp đặt lệnh cấm vận với Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp lương thực và các hàng hóa khác cho Doha bằng đường không; tuần này, Ankara lần đầu tiên chuyển lương thực bằng đường thủy đến Qatar.

Cũng theo Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Tufenkci, kể từ khi bắt đầu khủng hoảng vùng Vịnh, lượng hàng xuất khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Qatar đã tăng gấp 3 so với mức bình thường, đạt 32,5 triệu USD giá trị. Trong khi đó, truyền thông Iran cho biết, mỗi ngày nước này đang vận chuyển tới Qatar khoảng 1.100 tấn rau quả để bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu thực phẩm trong thời gian bị cấm vận. Thổ Nhĩ Kỳ còn điều động một đạo quân nhỏ cùng các phương tiện xe bọc thép đến Qatar trong ngày 22-6. Cùng với đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Saudi Arabia để “hạ nhiệt” căng thẳng khu vực.

Qatar chưa phản hồi ngay lập tức sau khi các nước láng giềng gửi đến bản yêu sách 13 điểm. Song, trước đó, Ngoại trưởng Qatar khẳng định nước này luôn “tuân thủ các điều luật quốc tế” và đóng vai trò quan trọng trong liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Mỹ cũng chưa có phản hồi sau bản yêu sách của 4 nước vùng Vịnh.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.