.

Thách thức với Thủ tướng Angela Merkel

.

Ngày 24-9 tới sẽ là ngày tổng tuyển cử ở Đức với việc Thủ tướng Angela Merkel tranh cử nhiệm kỳ thứ tư. Song, đây sẽ là thách thức lớn đối với bà bởi tìm kiếm chiến thắng trong lúc này thật không dễ.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với chiến dịch tái tranh cử khó khăn nhất.  Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel đối mặt với chiến dịch tái tranh cử khó khăn nhất. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel quyết định sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24-9 tới và “bà đầm thép” của Đức sẽ tìm kiếm nhiệm kỳ thứ tư trong lúc đối mặt với “làn gió ngược” dân túy xung quanh dòng người nhập cư tràn vào châu Âu.

Thời gian tổng tuyển cử cần được Tổng thống Joachim Gauck phê chuẩn. Song, quyết định về việc tổng tuyển cử đánh dấu sự khởi đầu của chiến dịch tranh cử mà bà Merkel cho là khó khăn nhất do vấp phải sự phản đối chính sách tị nạn tự do.

Thăm dò được công bố ngày 18-1, do Viện nghiên cứu Forsa thực hiện cho thấy, liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) là lực lượng chính trị mạnh nhất ở Đức với 38% ủng hộ. Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) theo đường lối trung tả về nhì - một đối tác nhỏ hơn hiện tại của chính phủ “đại liên minh”, với 21%. Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức cánh hữu (AfD) chống lại chính sách nhập cư chỉ giành 11%.

Giám đốc Forsa, Manfred Guellner nói rằng, mặc dù các vấn đề về an ninh sau vụ tấn công khủng bố chợ Giáng sinh (thủ đô Berlin) vẫn được đặt ra và gây nhiều tranh cãi, nghi phạm tấn công được xác định là người Tunisia tìm kiếm tị nạn nhưng tỷ lệ ủng hộ dành cho AfD vẫn không cao.

Nhờ tâm lý bài di cư, AfD được dự đoán sẽ có chân trong Quốc hội nhưng sự ủng hộ của cử tri dành cho đảng này không ổn định nhưng chỉ cần 5% số phiếu ủng hộ cũng đủ để đảng này tham gia cơ quan lập pháp liên bang. Vì vậy, cũng chưa rõ bà Merkel nếu tái đắc cử có thể thành lập liên minh với đảng nào. Ngày 21 và 22-1, tại Perl, bang tây Saarland, các nhà lãnh đạo CDU sẽ nhóm họp để khởi động năm bầu cử.

Bà Merkel từng tuyên bố tranh cử để bảo vệ các nguyên tắc dân chủ đang bị đe dọa. Song, hàng loạt vụ tấn công khủng bố ở châu Âu thời gian qua, nhất là vụ tấn công ở Berlin khiến dư luận Đức nghi ngại về chính sách mở cửa biên giới của bà Merkel. Người Đức thậm chí nổi giận, yêu cầu nữ Thủ tướng phải chịu trách nhiệm; đồng thời lo rằng việc mở cửa có thể “rước” khủng bố vào nhà và chính sách của bà Merkel vô hình trung mang lại sự bất ổn cho đất nước. Không những thế, theo tờ Express, đảng cầm quyền của bà Merkel có thể thất bại trước AfD trong cuộc bầu cử địa phương.

Thủ tướng Merkel cũng bị Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump chỉ trích về chính sách nhập cư. Trả lời phỏng vấn báo chí hồi đầu tuần này, ông Trump cho rằng, bà Merkel đã phạm “sai lầm nghiêm trọng” khi để người tị nạn tràn vào Đức. Năm 2015, có đến 890.000 người tị nạn đến Đức và con số này trong năm 2016 là 280.000 người.

Tuy nhiên, cũng như nhiều lãnh đạo khác trên thế giới, bà Merkel đang mong chờ ngày nhậm chức của ông Donald Trump với kỳ vọng thúc đẩy sự hợp tác tốt hơn giữa Đức và Mỹ. Theo báo Newsweek, khi được hỏi về thời gian sẽ gặp chủ nhân mới của Nhà Trắng lần đầu tiên, bà Merkel nói rằng, cuộc gặp có thể diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) ở đảo Sicily (Ý) vào tháng 5 tới và Hội nghị thượng đỉnh các nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) do Đức chủ trì vào tháng 7.

Bà Merkel làm Thủ tướng Đức, nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) kể từ năm 2005. Tại quốc gia này không quy định giới hạn nhiệm kỳ của thủ tướng. Bà Merkel cũng là người phụ nữ đầu tiên và là ứng cử viên duy nhất sinh trưởng ở vùng Đông Đức cũ trở thành nhà lãnh đạo nước Đức thống nhất. Lần này, việc bà có tái đắc cử hay không vẫn là điều khó đoán định.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.