.

Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Nga

.

Chuyến công du Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 9-8 nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước sau vụ Ankara bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Mátxcơva.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) đến thành phố Saint Petersburg và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. 	                                		         Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) đến thành phố Saint Petersburg và gặp gỡ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP

Hãng AFP cho biết, ngày 9-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến thành phố Saint Petersburg và có cuộc gặp gỡ đầu tiên với Tổng thống Vladimir Putin kể từ khi quan hệ giữa hai nước bị “đóng băng” sau vụ bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga. Đây cũng là chuyến công cán nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Erdogan kể từ khi xảy ra cuộc đảo chính nhằm lật đổ ông, dẫn đến cuộc thanh trừng quy mô lớn những người chống đối và phủ bóng lên quan hệ giữa Ankara với phương Tây.

Trả lời phỏng vấn báo chí Nga, Tổng thống Erdogan cho rằng, chuyến thăm lần này dường như tạo ra một mốc lớn trong quan hệ song phương và “một trang mới sẽ được mở ra”. Theo đó, ông muốn cài đặt lại quan hệ với Nga và tái khởi động sự hợp tác ở hàng loạt lĩnh vực. “Trang mới này sẽ bao gồm sự hợp tác về quân sự, kinh tế và văn hóa”, Tổng thống Erdogan nói. Trả lời hãng TASS, ông Erdogan gọi Tổng thống Putin là “một người bạn”.

Trước đó, việc máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay chiến đấu Su-24 của Nga ở không phận biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái làm Tổng thống Putin tức giận. Người đứng đầu Điện Kremlin chỉ trích Ankara “đâm sau lưng” Nga; đồng thời tiến hành các biện pháp trả đũa về kinh tế, trong đó có lệnh cấm khách du lịch Nga đến Thổ.

Song, cuối tháng 6 vừa qua, ông Putin đã chấp nhận việc ông Erdogan bày tỏ “rất đáng tiếc” về vụ bắn rơi máy bay, được cho là lời xin lỗi từ Ankara. Giờ đây, trong dư âm vụ đảo chính bất thành vào ngày 15-7 vừa qua ở Thổ - quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), mối quan hệ giữa Ankara và Mátxcơva có thể được củng cố hơn khi Tổng thống Erdogan thẳng thừng nói rằng, ông thất vọng về Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ông Putin là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài điện thoại cho ông Erdogan và bày tỏ sự ủng hộ chính phủ Ankara, trong khi không có sự chia sẻ nào từ phía các nhà lãnh đạo EU.

Hãng AFP dẫn lời các nhà phân tích từ Hội đồng châu Âu về đối ngoại cho rằng, sự suy giảm trong quan hệ với các cường quốc phương Tây có thể thúc đẩy Nga và Thổ tái lập quan hệ.

Trước khi xảy ra căng thẳng từ vụ bắn rơi máy bay, Nga và Thổ đã nỗ lực ngăn chặn tranh cãi xung quanh vấn đề Syria và Ukraine. Cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine làm tổn hại đến sự hợp tác chiến lược như đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Thổ Nhĩ Kỳ (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ) và một nhà máy năng lượng hạt nhân do Nga xây dựng tại Thổ.

Tuy nhiên, lúc này, tình hình “hậu đảo chính” đang thay đổi. EU cho rằng, “cái bắt tay” trở lại giữa Mátxcơva với Ankara có thể là một vấn đề. Với “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ”, Mátxcơva muốn chấm dứt sự phụ thuộc vào Ukraine. Những dự án này từng rơi vào tình trạng “đóng băng”, làm giao dịch thương mại giữa Nga và Thổ giảm 43%, còn 6,1 tỷ USD, từ tháng 1 đến tháng 5-2016 và ngành công nghiệp du lịch của Thổ chứng kiến số lượng du khách đến từ Nga giảm 87% trong 6 tháng đầu năm nay.

Trao đổi với báo giới Nga, Tổng thống Erdogan cũng nói rằng, ông muốn “ngay lập tức có các bước đi” hướng đến khôi phục dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” và hoàn thành nhà máy năng lượng Akkuyu.

Trong một động thái được cho là xua tan lo ngại của châu Âu, giới chức Thổ khẳng định chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan không phải là dấu hiệu quay lưng với phương Tây, mà chỉ là bước đi tiếp theo trong tiến trình xích lại gần Mátxcơva. Theo một số nhà quan sát, chuyến đi này cũng không làm quan hệ giữa Thổ và Mỹ trở nên xấu đi.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.