.

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục tấn công ở Syria

.

Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công nhằm vào các chiến binh người Kurd ở Syria. Trong lúc đó, Pháp cho rằng, việc Ankara thúc đẩy quân sự làm xung đột leo thang ở quốc gia Trung Đông đã trải qua 5,5 năm nội chiến, đồng thời thúc giục tất cả các bên kết thúc giao tranh và trở lại đàm phán hòa bình.

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về thị trấn Jarabulus, biên giới Syria - Thổ. 		         Ảnh: AFP
Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến về thị trấn Jarabulus, biên giới Syria - Thổ. Ảnh: AFP

Trong một tuyên bố, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định: Chiến dịch sẽ tiếp tục cho đến khi mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Lực lượng tự vệ nhân dân người Kurd (YPG)/ đảng Công nhân người Kurd (PKK) kết thúc.

Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria với mục đích “quét sạch” IS. Song, mục tiêu của Thổ còn nhằm vào YPG đóng tại phía nam thị trấn Jarablus. Ankara vốn cho rằng, YPG là “khủng bố”, có mối liên hệ chặt chẽ với lực lượng PKK ly khai và là “cái gai” trong mắt; trong khi Mỹ xem YPG là đồng minh trong cuộc chiến chống IS.

Tổng thống Erdogan từng khẳng định chiến dịch quân sự của nước ông nhắm vào cả IS lẫn YPG. Theo Reuters, thực tế, Ankara luôn lo ngại YPG sẽ gia tăng hiện diện ở miền bắc Syria, giáp biên giới Thổ, từ đó hỗ trợ cho các phần tử ly khai trong nước gây ra các vụ tấn công. Ankara cũng lo ngại sự trỗi dậy của khu vực người Kurd tự trị ở Syria sẽ thúc đẩy các chiến binh Kurd tràn qua biên giới vào đông nam Thổ.

Hãng AFP mô tả chiến dịch của Thổ ở Syria tạo ra tình thế khó xử cho Mỹ. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook cho rằng, các cuộc xung đột do chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là “không thể chấp nhận được và là nguyên nhân quan ngại sâu sắc”; đồng thời thúc giục giảm căng thẳng. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter nói rằng, ông đã kêu gọi cả hai bên không giao tranh.

Hãng Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, tình hình ở phía bắc Syria hiện phức tạp và làm ảnh hưởng đến kế hoạch của Mỹ trong việc chống IS ở khu vực Trung Đông. Tuần trước, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng, Washington đã ra lệnh YPG hoặc rút lui (rút về phía đông sông Euphrates), hoặc mất sự ủng hộ của Mỹ.

Ngày 4-9 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp gỡ người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế lớn (G20) và vấn đề Syria sẽ là nội dung chính được đặt trên bàn nghị sự. “Họ sẽ bàn thảo về chiến dịch chống ISIL (tức IS) và sự thật rằng chúng tôi cần thống nhất”, ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khẳng định với báo giới. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo Obama và Erdogan gặp gỡ kể từ vụ đảo chính bất thành ở Thổ vào ngày 15-7 vừa qua.

Sau vụ đảo chính, căng thẳng giữa hai đồng minh Mỹ và Thổ cũng gia tăng. Thổ đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen, bị Ankara cáo buộc đứng sau vụ đảo chính. Song, Washington từ chối đề nghị này và muốn Ankara phải đưa ra bằng chứng xác đáng.

Theo AP, việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự ở Syria đang vấp phải sự chỉ trích của Pháp. Ngày 30-8, Tổng thống Pháp Francois Hollande cho rằng, chiến dịch của Thổ làm leo thang cuộc xung đột ở Syria, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kết thúc giao tranh, trở lại bàn đàm phán hòa bình. Theo ông Hollande, có thể hiểu được động thái của Thổ cần bảo vệ biên giới sau các vụ tấn công mà quốc gia này phải gánh chịu, nhưng Ankara nhằm vào lực lượng người Kurd đang chống IS. Lực lượng người Kurd này lại là đồng minh của liên quân do Mỹ dẫn đầu chống IS và Pháp là một phần trong liên quân đó.

Tổng thống Hollande kêu gọi sự hợp tác với Nga và nói rằng, ông sẽ mời Tổng thống Vladimir Putin đến Pháp vào tháng 10 tới. Ông chủ Điện Elysée nhấn mạnh: Nga nên là một đối tác trong đàm phán.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.