.

Nga không khoan nhượng NATO

.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết đáp trả khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) kích hoạt hệ thống chống tên lửa ở Romania, tạo ra mối đe dọa đối với an ninh của Mátxcơva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Athens. 	                      Ảnh: Getty Images
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) gặp gỡ Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tại Athens. Ảnh: Getty Images

Phát biểu của Tổng thống Putin được đưa ra khi đang ở thăm Hy Lạp vào ngày 27 và 28-5 trong chuyến thăm đầu tiên của ông trong năm nay đến một quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Hãng CNN dẫn lời Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Nếu hôm qua, tại nhiều nơi ở Romania, mọi người đơn giản không hiểu rằng đứng ở hồng tâm là như thế nào, thì hôm nay chúng tôi buộc phải tiến hành một số biện pháp để bảo đảm an ninh của chúng tôi”.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, ông Putin cũng khẳng định Nga không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc nhắm tên lửa vào Romania và Ba Lan, hai quốc gia đã đồng ý cho NATO xây các khu phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ. Ông Putin nói rằng, các tên lửa đánh chặn của NATO ở Romania chỉ có tầm bắn 500km nhưng nó có thể tăng lên đến 2.400km, thậm chí thay đổi phần mềm điều khiển để phóng được cả tên lửa tấn công. “Đây là điều mà có khi chính Romania không thể biết. Chúng tôi buộc phải đáp trả”, nhà lãnh đạo Nga tuyên bố.

Hồi đầu tháng 5 này, Mỹ đã kích hoạt chương trình phòng thủ tên lửa trị giá 800 triệu USD tại Romania. Tuy Washington và NATO khẳng định hệ thống này chỉ nhằm bảo vệ châu Âu khỏi mối đe dọa từ các quốc gia như Iran, chứ không nhằm vào Nga, nhưng Mátxcơva tức giận. Các nhà quan sát cho rằng, phản ứng của Nga là hoàn toàn có cơ sở bởi động thái của Mỹ chẳng khác gì là đòn giáng mạnh vào mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa Mátxcơva và Washington. “Chúng tôi vẫn nghe rằng, đó không phải là mối đe dọa chống lại Nga, không nhằm vào Nga… Tất nhiên nó là mối đe dọa với chúng tôi”, ông Putin nói.

Thực tế, hệ thống phòng thủ tên lửa nói trên được đặt tại một căn cứ không quân ở Deveselu, Romania, trong khi một hệ thống chống tên lửa khác đã được lên kế hoạch đặt ở Redzikowo, phía bắc Ba Lan và sẽ đi vào hoạt động trong năm 2018 nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ thường trực 24/24 giờ cho NATO, bổ sung cho hệ thống radar và tàu chiến đang hoạt động ở Địa Trung Hải.

Những tính toán nói trên khiến Điện Kremlin không khỏi lo ngại. Nga cho rằng, những lý giải của Mỹ là vô nghĩa bởi với thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm cường quốc P5+1 thì không có lý do gì để Washington kích hoạt một lá chắn tên lửa để chống Tehran nữa. Trong thời điểm này, việc đối phó với Iran không còn là vấn đề cấp bách của Mỹ; thay vào đó, các tên lửa từ lá chắn này có thể dễ dàng bắn đến các thành phố của Nga. Vì vậy, giới chuyên gia dự báo, hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của Mỹ sẽ chỉ khiến Nga - Mỹ sa chân vào một cuộc chiến tranh lạnh mới và căng thẳng Đông - Tây sẽ còn dai dẳng, mặc dù NATO đã kêu gọi không chạy đua vũ trang.

Hãng AP cho biết, Nga cũng đang có những biện pháp để đáp trả việc NATO mở rộng về phía đông. Đại sứ Nga tại NATO Alexander Grushko trước đó nói rằng, việc Mátxcơva triển khai 3 sư đoàn mới tới các khu vực ở biên giới phía tây của nước này chỉ là một trong những biện pháp được thực hiện.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Putin đến Hy Lạp vừa qua, ông cũng muốn Mátxcơva xích lại gần Athens bằng nhiều thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về năng lượng.

Về phía Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras mong muốn tăng cường quan hệ với Nga có thể cải thiện tình hình giữa Nga và EU cũng như Nga và NATO bởi sẽ không có tương lai cho EU nếu khối này bất hòa với Mátxcơva.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.