.

Châu Âu đau đầu với khủng hoảng nhập cư

.

Cuộc khủng hoảng nhập cư ở biên giới Hungary đang leo thang khi cảnh sát phải dùng đạn hơi cay để kiểm soát tình hình. Vấn đề khủng hoảng nhập cư cũng đang có nguy cơ làm chệch hướng hội nghị thượng đỉnh tây Balkan, dự kiến diễn ra ở Vienna (Áo) vào hôm nay (27-8).

Dòng người nhập cư ồ ạt đổ về biên giới Hungary và Serbia.                        Ảnh: AFP
Dòng người nhập cư ồ ạt đổ về biên giới Hungary và Serbia. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, ngày 26-8, Hungary dự kiến điều động quân đội, trực thăng, cảnh sát và chó nghiệp vụ để bảo vệ biên giới phía nam của nước này, nơi lượng người di cư bất hợp pháp đến mức kỷ lục đang tràn vào châu Âu, trong đó có nhiều người lánh nạn do cuộc xung đột ở Syria. Bạo loạn đã xảy ra tại thị trấn Roszke, nơi tiếp nhận người di cư ở biên giới của Hungary, buộc cảnh sát phải sử dụng đạn hơi cay để kiểm soát tình hình. Nhiều người muốn rời khỏi thị trấn Roszke sau khi có thông tin Đức đang nới lỏng quy chế tị nạn cho những người rời khỏi Syria vì lo ngại cuộc nội chiến.

Theo cảnh sát, 2.533 người di cư, hầu hết đến từ Syria, Afghanistan và Pakistan, đã bị bắt giữ khi từ Serbia tiến vào Hungary vào ngày 25-8. Thêm 1.300 người khác bị bắt giữ vào sáng 26-8. Một người đàn ông Syria nói với AFP: “Chúng tôi sợ bom, chiến tranh, sự chết chóc… Đó là lý do vì sao chúng tôi rời Syria”. Người này còn bày tỏ: “Nếu tôi đến châu Âu, tôi nghĩ sẽ tốt đẹp hơn cuộc sống ở Syria”.

Hungary đang xây dựng hàng rào dài 175km dọc biên giới với Serbia để ngăn chặn người di cư tràn vào. Thủ tướng cánh hữu Viktor Orban gọi cuộc khủng hoảng này là mối đe dọa đến an ninh, sự thịnh vượng và bản sắc của châu Âu. Trong khi đó, người phát ngôn chính phủ Hungary Zoltan Kovacs nói rằng, tuần tới, Quốc hội sẽ thảo luận về khả năng triển khai quân đội để bảo vệ biên giới Hungary và Liên minh châu Âu (EU). 2.100 cảnh sát cũng sẽ được điều động đến biên giới với Serbia vào ngày 5-9 tới.

Theo AFP, số người di cư tràn vào Hungary là một phần trong khoảng 7.000 người tị nạn không thể đến được các nước thuộc EU trong tuần qua, sau khi Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp và đóng cửa biên giới trong 3 ngày. Với việc Macedonia dùng các biện pháp mạnh tay, làn sóng nhập cư đã ồ ạt vượt qua biên giới Serbia để sang lãnh thổ Hungary, đánh dấu cuộc khủng hoảng nhập cư nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ hai đến nay.

Từ đầu năm đến nay, hơn 140.600 người nhập cư đã bị chặn lại ở cửa ngõ biên giới Hungary. Không giống các thành viên khác của EU, Hungary là quốc gia trong khu vực miễn thị thực Schengen (theo Hiệp ước Schengen về tự do đi lại) nên được xem là nơi quá cảnh quan trọng đối với người tị nạn.

Cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình cũng tồi tệ không kém tại Hy Lạp và Ý, khi số người băng qua Địa Trung Hải trong năm nay để đặt chân vào châu Âu lên đến 300.000 người, bất chấp đã có hơn 2.370 người bỏ mình giữa biển khơi.

Vấn đề khủng hoảng nhập cư sẽ được đặt lên bàn nghị sự Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo tây Balkan và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Vienna (Áo) vào ngày 27-8. Các nước tây Balkan hiện là một trong những cửa ngõ chính để tiến vào EU. Ngoại trưởng Áo Sebastian Kurz tuyên bố cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra đối với toàn châu Âu và vùng tây Balkan cần tập trung thảo luận tình hình này. Ông Kurz cho rằng, EU phải tìm ra chiến lược mới để giúp các nước tháo gỡ khủng hoảng.

Đức cũng đã thông báo nới lỏng quy định về quy chế tị nạn cho những người Syria muốn nhập cư vào châu Âu và trở thành quốc gia thành viên đầu tiên trong EU đơn giản hóa thủ tục xin tị nạn đối với những người buộc phải sơ tán do chiến tranh hoặc xung đột.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.