.

Nhật Bản sẽ bầu cử sớm

.

Nhật Bản đang rơi vào suy thoái với kinh tế giảm 1,6% trong quý 3 (từ tháng 7 đến tháng 9-2014). Điều này buộc Thủ tướng Shinzo Abe phải hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% và kêu gọi bầu cử sớm.

Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tại phiên họp nội các ở Tokyo ngày 18-11. Ảnh: AFP
Thủ tướng Shinzo Abe (giữa) tại phiên họp nội các ở Tokyo ngày 18-11. Ảnh: AFP

Lựa chọn của Thủ tướng Shinzo Abe trong lúc này là tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri đối với vấn đề cải cách kinh tế sau khi Nhật Bản rơi vào suy thoái. Gần 2 năm trở lại nắm quyền với cam kết phục hồi tăng trưởng, dù ông nỗ lực để vực dậy nền kinh tế theo học thuyết “Abenomics”, bao gồm nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu tài chính… Song, nhưng quý 3 năm nay, GDP giảm 0,4% so với quý trước và tiếp tục đà sụt giảm so với mức 7,3% của quý 2.

Ngày 18-11, phát biểu với các nhà lãnh đạo liên minh đảng cầm quyền, Thủ tướng Abe nói rằng, ông sẽ hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu thụ cho đến tháng 4-2017, thay vì thực hiện vào tháng 10-2015, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm. Trước đó, trong sự đồn đoán về việc hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu thụ, Thủ tướng Abe cho biết, ông sẽ quyết định vấn đề này trong sự điềm tĩnh và “cuộc sống của người dân không thể tốt hơn nếu kinh tế không tăng trưởng”. Theo AP, nhà lãnh đạo Nhật Bản sẽ giải tán Hạ viện vào ngày 21-11; chiến dịch tranh cử bắt đầu từ ngày 2-12 và bầu cử diễn ra vào ngày 14-12 tới, sớm hơn 2 năm so với kế hoạch. Ông Abe cũng sẽ soạn thảo gói bổ sung ngân sách tài khóa 2014 để thúc đẩy tiêu dùng.

Quyết định tăng thuế tiêu thụ đợt 1 vào ngày 1-4 (từ 5% lên 8%) vốn được đưa ra một cách khó khăn để giảm gánh nặng nợ công lên đến hơn 200% GDP. Lúc đó, Thủ tướng Abe được cho là có bước đi mạo hiểm, bởi tăng thuế sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng, nhưng theo lập luận của ông, không thể để nền kinh tế lớn thứ ba thế giới (chỉ sau Mỹ và Trung Quốc) lại ôm gánh nặng nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển. Giờ đây, các chuyên gia cho rằng, quyết định tăng thuế mang lại tác động tiêu cực hơn so với dự đoán cho Nhật Bản và là nguyên nhân gây suy thoái. Vì vậy, sự mong manh của nền kinh tế không biết sẽ như thế nào nếu chính phủ tiếp tục tăng thuế tiêu thụ đợt 2.

Cũng theo các nhà quan sát, việc tổ chức bầu cử sớm dường như là một quyết định khó hiểu đối với nền kinh tế đang xấu đi. Có thể xem cuộc bầu cử sắp tới là một canh bạc với Thủ tướng Abe. Tuy nhiên, đảng cầm quyền hy vọng sẽ củng cố được quyền lực trong lúc các đảng đối lập suy yếu và rơi vào tình trạng lộn xộn. Ông Abe từng từ chức Thủ tướng chỉ sau một năm ngắn ngủi, kéo dài từ năm 2006-2007, sau đó trở lại nắm quyền vào cuối năm 2012 với tỷ lệ ủng hộ tăng vọt. Song, tỷ lệ ủng hộ này đang ở mức dưới 50% kể từ sau khi hai nữ Bộ trưởng trong nội các của ông từ chức do vướng phải các scandal về tài chính. Không những thế, ông Abe còn bị chỉ trích về chính sách “Abenomics” khi phe đối lập chỉ trích chính sách này không có tác động tích cực đối với cuộc sống của người dân. Thậm chí, nghị sĩ Yoshiki Yamashita cho rằng, chính sách “Abenomics” làm gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo.

Trong khi đó, ông Michael Cucek, một nhà phân tích tại Đại học Temple ở Tokyo nhận định: Việc giải tán Quốc hội để mở đường cho tổng tuyển cử có thể giúp ông Abe lấy lại uy tín và một lần nữa hình thành nội các mới. Việc tăng thuế tiêu thụ hồi tháng 4 là một tính toán sai lầm từ một số cố vấn của ông Abe, trong đó có cựu giáo sư kinh tế Koichi Hamada ở Đại học Yale, người đã giúp nhà lãnh đạo Nhật soạn thảo các chính sách.

THIÊN BÌNH

;
.
.
.
.
.