.

Mỹ tìm "liên minh lâu dài" chống IS

.

* Iraq có chính phủ mới

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 9-9 bắt đầu đến Trung Đông để xây dựng một “liên minh lâu dài” chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Phó Tổng thống Nouri al-Maliki chúc mừng Thủ tướng Haider al-Abadi sau khi Quốc hội phê chuẩn chính phủ mới. Ảnh: AP
Phó Tổng thống Nouri al-Maliki chúc mừng Thủ tướng Haider al-Abadi sau khi Quốc hội phê chuẩn chính phủ mới. Ảnh: AP

AFP cho biết, Ngoại trưởng John Kerry cam kết xây dựng một liên minh quốc tế lâu dài để đánh bại IS. Ông nhấn mạnh mỗi quốc gia đều có vai trò trong việc loại bỏ các phần tử thánh chiến khủng bố ở Iraq và Syria. Chỉ vài giờ trước khi bắt đầu chuyến công cán, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ nhận được tín hiệu vui, đó là việc Quốc hội Iraq thông qua nội các mới.

Ngoại trưởng John Kerry ca ngợi việc Iraq có chính phủ mới gồm 37 thành viên, gọi đây là một “nội các mới và toàn diện” ở một đất nước rơi vào tình trạng chia rẽ sắc tộc suốt nhiều năm qua. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chúc mừng Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi mặc dù một số vị trí an ninh chủ chốt như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng vẫn chưa được bổ nhiệm.

Ông Adel Abdel Mehdi thuộc Hội đồng Tối cao Hồi giáo Iraq được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Dầu mỏ, cựu Thủ tướng Ibrahim Jafaari giữ chức Ngoại trưởng, vị trí Bộ trưởng Tài chính thuộc về ông Rowsch Shaways. Quốc hội cũng bầu Thủ tướng mãn nhiệm Nouri al-Maliki, cựu Chủ tịch Quốc hội Osama al-Nujaifi và cựu Thủ tướng Ayad Allawi làm các Phó Tổng thống trong Hội đồng Tổng thống do Tổng thống Fuad Masoum đứng đầu.

Với những diễn biến mới ở Iraq, các nhà quan sát cho rằng, Ngoại trưởng Kerry có thể phần nào trút bỏ gánh nặng, nhất là khi hiện có hơn 40 quốc gia đồng ý tham gia liên minh chống IS. Ông sẽ dừng chân ở Jordan và Saudi Arabia để hội đàm với các ngoại trưởng Arab. Các cuộc hội đàm ở thành phố cảng Jeddah (Saudi Arabia) ngày 10 và 11-9 có sự tham dự của các ngoại trưởng Ai Cập, Jordan, Lebanon và 6 quốc gia vùng Vịnh khác. Saudi Arabia và các quốc gia vùng Vịnh khác có quan hệ căng thẳng với chính phủ do người Shiite lãnh đạo ở Iraq, bởi mỗi bên đều đổ lỗi cho nhau trong sự tồn tại, phát triển của các tổ chức chiến binh thánh chiến.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.