.

Việc bắn hạ MH17 là tội ác chiến tranh

.

Cao ủy về nhân quyền của LHQ Navi Pillay cho rằng, việc bắn hạ máy bay MH17 ở không phận phía đông Ukraine là tội ác chiến tranh.

Các nhà điều tra tiếp cận hiện trường máy bay MH17 rơi.   	                 Ảnh: AFP
Các nhà điều tra tiếp cận hiện trường máy bay MH17 rơi. Ảnh: AFP

Hãng AP dẫn lời Cao ủy nhân quyền của LHQ Navi Pillay ngày 28-7 kêu gọi tiến hành điều tra kỹ lưỡng về hành động vi phạm luật quốc tế khi bắn hạ máy bay bằng tên lửa đất đối không. Vụ việc xảy ra vào ngày 17-7 vừa qua ở phía đông Ukraine, khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát, làm tất cả 298 người có mặt trên máy bay thiệt mạng. “Việc vi phạm luật quốc tế, trong trường hợp hiện tại, có thể được xem là tội ác chiến tranh”, bà Pillay nói. Đồng thời, Cao ủy nhân quyền của LHQ nhấn mạnh, cần tiến hành “điều tra nhanh chóng, triệt để, hiệu quả, độc lập và khách quan”. “Mọi nỗ lực sẽ được thực hiện để bảo đảm kẻ vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, trong đó có tội ác chiến tranh, phải bị đưa ra công lý, dù đó là ai”, bà Pillay tuyên bố.

AP cũng cho biết, nhận định nói trên được đưa ra trùng với thời điểm văn phòng của vị quan chức LHQ này công bố báo cáo rằng, có ít nhất 1.129 người đã thiệt mạng và 3.442 người khác bị thương trong cuộc giao tranh ở Ukraine kể từ giữa tháng 4 đến nay, khi cả lực lượng chính phủ và phiến quân đều gia tăng sử dụng vũ khí hạng nặng. Trước đó chỉ hơn một tháng, báo cáo của LHQ ngày 18-6 cho biết, số người chết là 256 người. Cuối tuần qua, Hội Chữ thập đỏ quốc tế chính thức xác nhận Ukraine hiện trong tình trạng nội chiến

Xung đột diễn ra vào cuối tuần qua ở đông Ukraine đã ngăn cản nhóm cảnh sát của Hà Lan và Úc đến hiện trường máy bay rơi để tìm kiếm chứng cứ cũng như thi thể còn sót lại. Ngày 28-7, 26 chuyên gia pháp y của Hà Lan khởi hành từ thành phố Donetsk để tới hiện trường.

Cũng trong hôm qua, phát biểu tại cuộc họp báo ở Kiev, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Ukraine Andriy Lysenko thông báo kết quả phân tích hộp đen của MH17 cho thấy chiếc máy bay này đã rơi do “đột ngột giảm áp cực lớn” sau khi trúng nhiều mảnh đạn từ một quả tên lửa. Ông Lysenko khẳng định thông tin này được các chuyên gia phân tích hộp đen cung cấp.

Về phía Nga, trước cáo buộc Máxcơva liên quan đến vụ bắn hạ máy bay MH17, Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói rằng, ông hy vọng cuộc điều tra sẽ diễn ra khách quan. Nga luôn bày tỏ thái độ kiên quyết và tức giận bác bỏ mọi sự liên quan của Mátxcơva. Ông Lavrov còn chỉ trích Mỹ đã thực hiện “một chiến dịch không ngừng vu khống Nga”.

Theo AP, Mỹ vẫn gây sức ép với Mátxcơva bằng việc công bố những hình ảnh chụp qua vệ tinh cho thấy tên lửa được phóng từ Nga vào phía đông Ukraine và các loại pháo hạng nặng cung cấp cho quân ly khai đã tràn qua biên giới. Những hình ảnh này do Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ tiết lộ. Song, theo lời một số quan chức Mỹ, những hình ảnh cho thấy vũ khí hạng nặng được sử dụng từ ngày 21-7 đến 26-7, tức sau khi xảy ra vụ bắn rơi máy bay MH17.

Trao đổi qua điện thoại với ông Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thúc giục người đồng cấp ngừng dòng chảy vũ khí hạng nặng, tên lửa và đạn pháo sang Ukraine. Tại thủ đô Kiev của Ukraine, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hy vọng Nga sẽ dùng ảnh hưởng của mình với phiến quân để hỗ trợ hơn nữa tiến trình điều tra, nhằm giúp các chuyên gia quốc tế nhanh chóng xác định ai đứng sau thảm kịch này.

Trong lúc này, Nga khẳng định sẽ không trả đũa vội vàng các đòn trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Theo ông Lavrov, các biện pháp cấm vận sẽ khiến nền kinh tế Nga trở nên độc lập hơn.

Nhật thúc đẩy trừng phạt Nga

Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 28-7 cho biết, nước này đang thúc đẩy các biện pháp trừng phạt Nga xung quanh bất ổn tại Ukraine. Theo đó, việc trừng phạt bao gồm “đóng băng” tài sản của các nhóm và cá nhân đã ủng hộ việc sáp nhập Crimea vào Nga. Ông Suga nói rằng, bước đi của Nhật phù hợp với các biện pháp của Liên minh châu Âu (EU) và nhóm các nước công nghiệp phát triển G7.

Theo AP, sau khi có sự thống nhất trong nội các, Nhật Bản sẽ công bố danh sách các nhóm và cá nhân bị trừng phạt. Tokyo từng áp đặt việc trừng phạt Nga, ngừng các cuộc đối thoại song phương về một số vấn đề và cấm visa 23 người.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.