.

Cairo lại bất ổn

.

Hơn 300 người chết trong ngày 14-8 khi lực lượng an ninh Ai Cập trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Mursi tại hai căn cứ ở thủ đô Cairo.

Các nguồn tin cho biết, hơn 300 người thiệt mạng trong các vụ xung đột ở Cairo ngày 14-8.  Ảnh: AFP
Các nguồn tin cho biết, hơn 300 người thiệt mạng trong các vụ xung đột ở Cairo ngày 14-8. Ảnh: AFP

Chưa có xác nhận chính thức về số người thiệt mạng tại Rabaa al-Adawiya, phía Đông Bắc Cairo - nơi hàng ngàn người ủng hộ ông Mursi tập trung. Song, Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo cho biết, có ít nhất 300 người chết và 9.000 người khác bị thương. Còn các nhà chức trách nói rằng, số người thiệt mạng ít hơn thế.  

Từ sáng sớm 14-8, lực lượng an ninh bao vây khu vực Rabaa al-Adawiya, bắn hơi cay để giải tán những người biểu tình. Những cột khói đen bốc cao lên bầu trời. Phe chống đảo chính chỉ trích các nhà chức trách đã sử dụng đạn thật nhưng Bộ Nội vụ khẳng định cảnh sát chỉ dùng hơi cay.  

Theo Bộ Nội vụ Ai Cập, hơn 200 người đã bị bắt giữ cùng nhiều vũ khí và đạn dược, trong đó có các thủ lĩnh của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ chỉ trích những người biểu tình “hành động vô trách nhiệm”, đồng thời cho biết lực lượng an ninh sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết để dẹp các cuộc “biểu tình ngồi”, cho phép những người biểu tình rời khỏi các căn cứ mà họ chiếm giữ trong sự an toàn.

Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo của ông Mursi mô tả hành động của cảnh sát là cuộc thảm sát và khẳng định có hơn 100 người thiệt mạng. Tổ chức này kêu gọi người Ai Cập xuống đường để phản đối vụ thảm sát, đồng thời kiên quyết “tẩy chay” tiến trình thành lập Chính phủ mới. Theo tổ chức này, việc có nhà lãnh đạo mới do quân đội hậu thuẫn không quan trọng bằng việc phải hòa giải dân tộc, đáp ứng yêu cầu của phe biểu tình.

Các cuộc biểu tình không dừng lại ở Cairo mà lan rộng sang các thành phố khác khi lực lượng biểu tình phong tỏa các đường phố ở Alexandria. Tình trạng bất ổn này diễn ra sau khi các nỗ lực của quốc tế trong việc đàm phán kết thúc khủng hoảng chính trị tại Ai Cập đã thất bại. Cuộc đối đầu giữa những người ủng hộ ông Mursi - Tổng thống đầu tiên được bầu dân chủ ở Ai Cập, với Chính phủ có sự hậu thuẫn của quân đội vẫn tiếp diễn. Reuters dẫn lời các nhà quan sát cho rằng, bạo lực đang có nguy cơ làm chia rẽ và hủy hoại nước đông dân nhất trong thế giới Arab, cũng như dự báo những tháng ngày bất ổn mới ở quốc gia này.

Những người ủng hộ ông Mursi vốn chiếm giữ Quảng trường Nahda và Rabaa al-Adawiya kể từ khi ông bị lật đổ vào ngày 3-7 vừa qua. Lực lượng biểu tình muốn ông Mursi được phục hồi cương vị và thề sẽ chống Chính phủ lâm thời cho đến khi yêu cầu của họ được đáp ứng. Ông Mursi hiện được giam giữ tại một nơi bí mật. Chính phủ lâm thời đang thúc đẩy các bước truy tố ông với cáo buộc liên quan đến các hoạt động trong cuộc nổi dậy lật đổ người tiền nhiệm Hosni Mubarak vào đầu năm 2011.

Không những thế, theo AP, 20 thống đốc mới của các tỉnh đã được bổ nhiệm, trong đó 7 thống đốc do Tổng thống lâm thời Adly Mansour lựa chọn là những người trong quân đội. Động thái này được cho là nhằm loại bỏ các thành viên của Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo ra khỏi bộ máy Chính phủ.  

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.