.

Giảm lãi suất: Tiền chảy về đâu?

.

ĐNĐT - Ngay sau khi Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) Việt Nam tuyên bố giảm trần lãi suất (LS) kỳ hạn dưới 6 tháng về 6%/năm được áp dụng từ ngày 18-3, hầu hết các ngân hàng (NH) lớn nhỏ trên địa bàn Đà Nẵng đồng loạt niêm yết mức LS tiết kiệm mới theo quy định.

Đồng loạt giảm lãi suất                  

Quyết định giảm LS huy động của NHNN Việt Nam được bắt đầu từ ngày 18-3. Theo đó, LS tiết kiệm tiền đồng kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 7% xuống 6% một năm; LS huy động tối đa bằng USD cũng giảm từ 1,25% xuống 1% một năm. Ngoài ra, một loạt các mức LS điều hành khác cũng được điều chỉnh cùng thời điểm như: Tái cấp vốn giảm từ 7% một năm xuống 6,5%. Lãi suất chiết khấu từ 5% còn 4,5% một năm. LS cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn của NHNN với các ngân hàng từ 8% được điều chỉnh xuống 7,5% một năm….

ha
Mặc dù LS tiền gửi giảm nhưng theo các NH, tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục "chảy" vào nhà băng (Ảnh minh họa).

Ghi nhận tại các nhà băng cho thấy, sau khi trần LS tiền gửi ở kỳ hạn dưới 6 tháng được hạ xuống còn 6%/năm, các NH đã đưa mức LS tiền gửi ở kỳ hạn ngắn về mức khá thấp. Hiện mức LS kỳ hạn 1 tháng thấp nhất ghi nhận là 5% thuộc về NH BIDV; kế tới là NH Vietcombank với mức lãi 5,5%/năm, 5,8%/năm là mức lãi suất Eximbank áp dụng từ ngày 18-3. Đối với khách hàng gửi tiết kiệm ở kỳ hạn từ 2 - 3 tháng cũng được các NH áp dụng mức LS từ 5,5%-5,8%/năm.

Cùng với việc giảm LS ở các kỳ hạn ngắn, LS kỳ hạn trung và dài cũng được các nhà băng giảm từ 0,3-0,5%. Như tại BIDV, mức lãi suất từ 6 đến 11 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm, từ 7% xuống còn 6,5%/năm; kỳ hạn gửi 12 tháng giảm về 7%/năm. Ở một số NH lớn khác như Vietcombank, Agribank, Eximbank..., mức lãi tiền gửi 12 tháng cũng giảm về mức từ 7,3 - 7,5%/năm.

Khách hàng “né” gửi tiền ở kỳ hạn ngắn

Sau khi LS huy động được điều chỉnh giảm ở kỳ hạn ngắn, không ít khách hàng đã phân vân khi chọn kỳ hạn gửi tiền vào NH. Anh Vũ, nhân viên tín dụng một NHTM trên đường Bạch Đằng cho biết: Sự điều chỉnh giảm LS huy động trong 2 ngày qua cho thấy, hoạt động gửi tiền của người dân ở NH vẫn chưa biến động nhiều về giao dịch tiền gửi. Tuy nhiên, khi nhân viên NH giải thích với khách hàng về sự điều chỉnh giảm LS ở kỳ hạn ngắn, nhiều khách hàng đã chuyển hướng gửi tiền sang kỳ hạn trung và dài để được hưởng LS cao hơn.

Có mặt tại NH Sacombank trên đường Nguyễn Lương Bằng vào đầu giờ sáng nay (19-3), chị Lê Thị Diễm (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) đến gửi tiết kiệm đã bất ngờ khi LS huy động ở kỳ hạn ngắn được điều chỉnh giảm xuống 6%/năm. Chị Diễm cho hay, giảm thì cũng phải gửi chứ cầm tiền bây chừ chẳng biết đầu tư vào đâu cho sinh lời. Gửi kỳ hạn ngắn, tuy LS thấp nhưng được cái nếu có cơ hội làm ăn mà rút tiền cũng không bị thua thiệt nhiều. Ông Trần Trọng Vinh, Giám đốc Chi nhánh NH Đông Á Đà Nẵng cho biết: Việc người dân chuyển từ gửi tiết kiệm ở kỳ hạn ngắn sang kỳ hạn dài là vì LS ở kỳ dài thường cao hơn và điều này cũng được ngành NH dự đoán trước. Ngoài ra, một số NH cũng điều chỉnh giảm nhẹ mức LS ở kỳ hạn dài là chuyện các NH phải tính toán cơ cấu lại nguồn vốn khi LS kỳ hạn ngắn giảm, đồng thời các NH cũng tiết kiệm và cân đối chi phí về nguồn vốn.

Tiền sẽ chảy về đâu?

Ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh NHNN Đà Nẵng cho rằng: Việc giảm trần LS từ 7% xuống 6% ở kỳ hạn dưới 6 tháng là giải pháp tích cực, hợp lý của NHNN trong bối cảnh kinh tế hiện nay. Và khi LS huy động giảm, chắc chắn sẽ kéo theo LS cho vay được điều chỉnh giảm xuống. Vậy câu hỏi được đặt ra: Khi LS huy động giảm, người dân sẽ chọn kênh khác đầu tư thay vì gửi tiết kiệm? Về vấn đề này, ông Minh phân tích: Trong thời điểm hiện nay, mặc dù LS tiền gửi giảm nhưng chắc chắn dòng tiền nhàn rỗi vẫn tiếp tục “chảy” vào nhà băng, bởi các kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, bất động sản hiện vẫn chưa có tín hiệu khởi sắc. Theo ông Minh, với mức giảm LS như hiện nay sẽ không làm giảm nguồn huy động vốn của NH; thay vào đó, người dân sẽ gửi tiết kiệm nhiều hơn ở kỳ hạn dài để hưởng lãi cao. Và khi NH nào huy động được nhiều vốn giá rẻ ở kỳ hạn dài, NH đó sẽ tính toán được việc “mở van” tín dụng cho doanh nghiệp vay vốn với LS thấp.

Ông Minh cũng cho biết thêm, LS cho vay của các NH phụ thuộc vào giá vốn đầu vào, chiến lược lợi nhuận cũng như chiến lược kinh doanh của từng NH. Vì vậy, trong bối cảnh nguồn vốn dư dả, các NH có thể điều chỉnh LS cho phù hợp. Và hiện tại, không ít NH đã “tung” ra nhiều gói tín dụng với LS ưu đãi.

Dù LS huy động giảm nhưng tiền vay cũng chẳng dễ "chảy" vào túi các DN đang cần vốn. Ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Công ty TNHH chuyển giao công nghệ K&H cho hay, DN của ông được xếp vào diện uy tín với NH nên thời gian gần đây luôn được các NH chào mời vay vốn với LS thấp. Tuy nhiên, để vay được với mức LS 8%/ năm như các NH công bố là điều vô cùng khó. Cùng quan điểm như trên, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Đà Nẵng cho rằng, với DN có hồ sơ tốt cũng khó có thể tiếp cận, do phần lớn hàng hóa, tài sản đã được thế chấp trước đó ở các NH. Vậy, dù nhìn thấy nguồn vốn giá rẻ, nhưng DN vẫn khó có thể tiếp cận được. Trừ khi NH chấp nhận không cần tài sản đảm bảo, thế chấp thì DN mới có thể tiếp cận được nguồn vốn vay với LS thấp này.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
.
.
.
.
.