.

Tìm nhân lực cho khách sạn

.

ĐNĐT - Hội nghị “Giải pháp nguồn nhân lực khách sạn tại Đà Nẵng” do Hội Khách sạn Đà Nẵng (thuộc Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng) tổ chức sáng 10-12 nhằm tìm kiếm những giải pháp mang lại nguồn cung nhân lực cho ngành du lịch trước thực trạng các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố gia tăng quá nhanh. 

Dù các trường đào tạo nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa tương xứng nên nguồn nhân lực khách sạn vẫn thiếu hụt. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia hội thi nghiệp vụ buồng phòng ngành du lịch.
Dù các trường đào tạo nhiều nhưng chất lượng đào tạo chưa tương xứng nên nguồn nhân lực khách sạn vẫn thiếu hụt. Trong ảnh: Các thí sinh tham gia hội thi nghiệp vụ buồng phòng ngành du lịch. Ảnh: THU HÀ

Nguồn nhân lực thiếu và yếu

Ông Lương Minh Sâm, Chủ tịch Hội Khách sạn thành phố đánh giá, Đà Nẵng có sự phát triển vượt bậc về du lịch; nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở các cấp độ khác nhau đi vào hoạt động, nhanh chóng kéo theo nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp nghề có xu hướng đào tạo về nhân lực khách sạn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhân lực khách sạn hiện nay vừa thiếu về số lượng, vừa yếu về chất lượng, nhất là kỹ năng làm việc và trình độ ngoại ngữ. Tình trạng mất cân đối trong đội ngũ nguồn nhân lực, thiếu đội ngũ quản lý cấp trung, đặc biệt là thiếu trầm trọng đội ngũ quản lý cao cấp dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực không ổn định, lao động tại khách sạn luôn có sự dịch chuyển, biến động, gây khó khăn không ít trong kinh doanh khách sạn, chất lượng dịch vụ và phục vụ chưa đáp ứng nhu cầu của quốc tế.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Thơ, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn Fivi cho rằng, sự ra đời của nhiều khách sạn và lời mời với mức lương hấp dẫn khiến những người ở vị trí quản lý, trưởng, phó các bộ phận khối 1-3 sao không gắn bó với nơi mình đang làm việc. Việc đào tạo ở các trường vẫn mang tính hàn lâm, doanh nghiệp (DN) tuyển dụng vẫn phải đào tạo lại. Chưa có trường nào đào tạo bài bản đội ngũ quản lý, giám sát các bộ phận. Bên cạnh đó, các chủ DN ở khối này cũng chưa thực sự tạo điều kiện để nhân viên thăng tiến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc khách sạn Chu (2 sao, quận Ngũ Hành Sơn) nhìn nhận, sinh viên ra trường thường không muốn làm việc ở những DN nhỏ và siêu nhỏ. Do đó, ông Tuấn chia sẻ “bí quyết” của DN mình là sẵn sàng tuyển dụng trình độ trung cấp, một số vị trí quan trọng thì tuyển trình độ đại học; sau đó, phải định hướng lại cho lao động để họ thấy mình phù hợp với vị trí công việc và dành thời gian đào tạo thêm cho nhân viên...

Các khách sạn khó tuyển nhân lực ngành bếp khối 1-3 sao vì tâm lý lao động thường muốn làm việc ở những khách sạn lớn. Ảnh: THU HÀ
Các khách sạn khó tuyển nhân lực ngành bếp khối 1-3 sao vì tâm lý lao động thường muốn làm việc ở những khách sạn lớn. Ảnh: THU HÀ

Cần định hướng nghề

Đa số ý kiến thảo luận đưa ra tại hội nghị đều cho rằng, giữa nhà trường và DN chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến tình trạng mất cân bằng giữa nhu cầu và thực tế.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, ông Huỳnh Tấn Vinh, chỉ ra rằng nhu cầu nhân lực rất cần thiết nhưng các trường chỉ cung cấp được khoảng 20% số lượng yêu cầu, chưa kể trong đó có những người không đạt yêu cầu của nhà tuyển dụng. Do đó, cần có sự hợp tác giữa các bên: nhà trường, khách sạn và các hội, đoàn thể; mời các trường nước ngoài tham gia đào tạo tại Đà Nẵng…

Theo ông Trần Xuân Mới, Giám đốc Công ty Đào tạo ATM, cần có tiêu chuẩn về đào tạo giữa nhà trường và DN để có tiếng nói chung; định hướng về đội ngũ đào tạo; cơ sở vật chất của đơn vị đào tạo cũng phải đạt chuẩn.

“Nhà trường phải định hướng ngay từ khi các em chọn ngành, chọn nghề, tránh trình trạng đi học tạm, đi làm tạm dẫn đến tâm lý nhảy việc. Phải để các em hiểu được nghề các em chọn là rất tốt đẹp, chứ đừng chỉ thu hút sinh viên vào học cho đủ chỉ tiêu. Chúng ta có bộ tiêu chuẩn VTOS do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ cho Việt Nam; nhiều DN, đơn vị thấy hay, nhưng lại chưa biết áp dụng phù hợp với thực tế tại mỗi DN. Như vậy, mối liên kết giữa nhà trường và DN rất quan trọng, sự liên kết ấy tạo môi trường cho sinh viên thực tập, còn chủ đầu tư cũng nên dành một khoản đầu tư cho nguồn nhân lực bởi đầu tư cho con người là một trong những đầu tư khôn ngoan nhất trong ngành dịch vụ”, ông Mới nêu ý kiến.

Trong khi đó, đại diện một khách sạn gợi ý các trường nên đào tạo song song cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, tăng thời gian thực tập của sinh viên tại khách sạn. Điều quan trọng là các cơ sở lưu trú cũng nên tạo điều kiện cho sinh viên thực tập học việc chứ không chỉ đứng nhìn nhân viên của khách sạn làm.

Bà Lê Thị Ái Diệp, Phó phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch) phân tích, hiện thành phố có 535/575 khách sạn khối 1-3 sao, chiếm 65% tổng số phòng khách sạn. Để có nguồn nhân lực tốt không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước mà cần có sự chung tay của nhà trường và DN, trong đó vai trò của DN rất quan trọng. DN cần nâng cao nhận thức, ý thức của chủ đầu tư. Phía quản lý Nhà nước sẵn sàng giới thiệu những khách sạn đủ điều kiện để đưa sinh viên đến thực tập, các trường nên điều chỉnh thời gian thực tập cho sinh viên, nếu dồn cùng một thời điểm thì các DN không thể tiếp nhận hết. Do đó, nên trải đều thời gian thực tập, vừa hỗ trợ các DN những lúc cao điểm, vừa tạo cơ hội để sinh viên học việc. Sở cũng sẽ tiếp tục khảo sát nguồn nhân lực để làm cơ sở dự báo, đánh giá về nguồn nhân lực thời gian đến.

THU HÀ

;
.
.
.
.
.