.

Không thể buông lỏng quản lý

.

Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16-10-2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đề cập phương hướng, nhiệm vụ phát triển Đà Nẵng đến năm 2020: “Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước”. Các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng thời gian qua cũng xác định: “Đầu tư phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố..., xây dựng văn minh du lịch, phát triển nhân lực du lịch…”. Du lịch Đà Nẵng đã nêu mục tiêu phát triển theo 3 hướng chính: “Phát triển du lịch biển, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái; phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; phát triển du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo...; khai thác lợi thế đô thị loại I và là trung tâm vùng trọng điểm kinh tế miền Trung-Tây Nguyên để xúc tiến thị trường khách du lịch nội địa, khách du lịch M.I.C.E”…

Tôi phải đọc lại các tài liệu trên vì gần đây, mạng xã hội và báo chí đưa nhiều thông tin, hình ảnh, clip về việc du khách Trung Quốc đến Đà Nẵng với những hành động thiếu văn hóa như: đốt tiền trong câu lạc bộ giải trí, bẻ chuối của người buôn gánh bán bưng… Các hướng dẫn viên du lịch người Trung Quốc hoạt động trái phép diễn giải không đúng lịch sử, địa lý Việt Nam và hăm dọa hướng dẫn viên người Việt. Có cả trường hợp những người Trung Quốc làm tour “chui” đã thanh toán nhau ngay tại Đà Nẵng. Tình trạng này trước hết do công tác quản lý về du lịch của chúng ta còn quá nhiều thiếu sót, lại chưa thành lập được các đội cảnh sát du lịch như đề xuất.

Trên bãi biển Mỹ Khê mỗi sáng, du khách Trung Quốc còn ngang nhiên lội trên những thảm cỏ xanh đang được các công nhân tưới tắm, cắt tỉa. Nhiều nhóm còn vất cả túi nylon, vỏ chai nước bừa bãi trên đường. Đó là chưa kể họ ăn mặc rất phản cảm trên hàng trăm mét đường phố lúc đi từ bãi tắm về khách sạn…

Tôi vừa có chuyến “du lịch ba-lô” các nước trong khu vực thì thấy tình trạng du khách Trung Quốc mất trật tự khi tham quan Thái Lan đã bị chê trách và các cơ quan chức năng mời ra ngoài. Tại Siem Reap (Campuchia), các địa điểm khách Trung Quốc lưu trú hoặc tham quan được bố trí riêng với du khách phương Tây. Tại Phnom Penh (Campuchia), cảnh sát du lịch có mang vũ khí đã thẳng thắn yêu cầu các đoàn khách Trung Quốc thực hiện mua bán văn minh và tôn trọng luật lệ.

Nhìn những sự việc nêu trên, có thể thấy du lịch Đà Nẵng đang bị buông lỏng quản lý, vẫn còn tư tưởng chạy theo số lượng, nhất là đối với du khách nước ngoài. Khách “du lịch ba-lô” ngày càng nhiều, trong lúc các tour M.I.C.E (du lịch kết hợp sự kiện), du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chưa cao. Trong đó, tệ hại nhất là các tour khách bình dân, giá rẻ từ Trung Quốc chưa được tổ chức, quản lý tốt về nhiều mặt…

Kiểu du lịch nói trên chẳng những không mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà ngược lại ngày càng tạo nên nhiều áp lực xã hội, hạ tầng, văn hóa và môi trường lâu dài cho một thành phố định hướng “sống tốt” như Đà Nẵng.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

;
.
.
.
.
.