.

Công bố bản đồ sản phẩm du lịch 3 tỉnh miền Trung

.
Bản đồ sản phẩm du lịch 3 tỉnh miền Trung với Đà Nẵng làm trung tâm.
Bản đồ sản phẩm du lịch 3 tỉnh miền Trung với Đà Nẵng làm trung tâm.

Báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch và Bản đồ sản phẩm du lịch khu vực Duyên hải miền Trung (Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam) đã được hoàn thành và công bố vào chiều 25-11.

Sản phẩm do Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT) thực hiện với sự tài trợ của Liên minh châu Âu.

Báo cáo đã đưa ra những phân tích bối cảnh sát với tình hình thực tế của ngành du lịch tại khu vực, trên cơ sở đó, xác định và đánh giá các sản phẩm du lịch ưu tiên để có thể kết nối và phát triển, tạo nên một điểm đến cấp vùng.

Ba cụm sản phẩm du lịch chính đã được xác định gồm: Cụm phía Bắc (các sản phẩm du lịch ưu tiên ở khu vực trung tâm/phía Bắc tỉnh Thừa Thiên-Huế dọc theo bờ biển), cụm phía nam ven biển miền Trung (các sản phẩm du lịch ưu tiên nằm dọc theo bờ biển phía nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và phía bắc tỉnh Quảng Nam) và cụm nội địa (các sản phẩm du lịch ưu tiên nằm trong khu vực đất liền của cả 3 tỉnh).

Báo cáo cũng đã vạch ra 3 chiến lược chính nhằm kết nối các sản phẩm du lịch ưu tiên gồm: Con đường di sản liên kết các sản phẩm văn hóa của khu vực với nhau; trung tâm du lịch “Thiên đường biển” tập trung phát triển và quảng bá các sản phẩm biển đảo dọc con đường sinh thái với các sản phẩm du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái mới nổi.

Báo cáo cũng phân tích thực trạng và những thiếu hụt của sản phẩm nhằm hỗ trợ nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch vùng, trong đó tập trung đánh giá chức năng của sản phẩm trên tuyến và cụm sản phẩm đã xác định.

Đồng thời, 12 kiến nghị chính về phát triển sản phẩm cho vùng đã được rút ra từ phân tích này, từ việc nâng cao chất lượng thuyết minh tại các điểm di sản, tới tăng cường các loại hình và chất lượng dịch vụ, cũng như hoạt động tại các điểm đến ven biển, đẩy mạnh bảo vệ các làng bản truyền thống chủ chốt khỏi sự đô thị hóa và hiện đại hóa.

Đi kèm với Báo cáo, các chuyên gia của Dự án EU-ESRT cũng đã đưa ra Bản đồ sản phẩm du lịch của vùng được xây dựng dựa trên các chuyến khảo sát thực tế.

Đây được xem là những nguồn tài nguyên quan trọng để các cơ quan quản lý Nhà nước của Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng sử dụng trong hoạt động hoạch định và phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của vùng nói chung trong thời gian tới.

Sau miền Trung, Dự án sẽ tiếp tục phổ biến các báo cáo kỹ thuật về phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và khu vực 3 tỉnh ĐBSCL.

Theo Chinhphu.vn

;
.
.
.
.
.