.

Đường bay Đà Nẵng - Narita: Cơ hội kinh doanh mới

.

Tối 16-7, Đà Nẵng sẽ chào đón những vị khách Nhật đầu tiên trên chuyến bay Đà Nẵng - Narita do Vietnam Airlines khai thác. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch Đà Nẵng khi các công ty lữ hành địa phương đã đón đầu cơ hội kinh doanh bằng việc khai thác tốt nguồn khách đi lại giữa thành phố biển và xứ sở hoa anh đào.

Khách du lịch Nhật Bản đến Đà Nẵng.
Khách du lịch Nhật Bản đến Đà Nẵng.

Khách du lịch có thêm lựa chọn

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã xác định Nhật Bản là thị trường trọng điểm và tiềm năng, đem lại nguồn doanh thu lớn và ổn định cho ngành du lịch thành phố. Theo thống kê của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng, lượng khách Nhật đến thành phố trong năm 2013 đạt hơn 41.000 lượt, tăng 53% so với năm 2012. Dù chiếm thứ 3 trong tổng thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng, nhưng theo nhận định các chuyên gia làm du lịch thì nguồn khách của đất nước mặt trời mọc có tính chất bền vững và cao cấp hơn khách Trung Quốc. “Dù thị trường khách Nhật chưa lớn so với thị trường Trung Quốc và chưa thể nói là bù đắp lại lượng khách Trung Quốc bị sụt giảm mạnh trong thời gian qua, nhưng đây là nguồn khách có mức chi tiêu cao và bền vững”, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng nhận định.

Nhân dịp mở đường bay mới, Vietnam Airlines sẽ triển khai chương trình bán vé ưu đãi cho khách hàng. Cụ thể, giá vé khứ hồi trên đường bay Đà Nẵng - Narita là 7.375.000 VNĐ (tương đương 349 USD). Xuất vé từ nay đến ngày 31-12, khởi hành từ ngày 16-7 đến hết ngày 31-12. Giá vé chưa bao gồm các khoản thuế, phí, lệ phí và phụ thu.

Theo đánh giá của các nhà điều hành tour, tiềm năng du lịch của Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung rất thích hợp với thị hiếu của khách Nhật. Với bờ biển đẹp cùng các khu nghỉ dưỡng cao cấp cũng như sản phẩm du lịch biển ngày càng hoàn thiện và hấp dẫn, những năm gần đây, du khách Nhật dần dần biết đến thành phố biển Đà Nẵng như “thiên đường” cho các chuyến du lịch ngắn ngày. Vì vậy, việc đưa vào khai thác đường bay thẳng Narita - Đà Nẵng sẽ giúp du khách tiết kiệm thời gian cũng như có cơ hội đến nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và miền Trung.

“Khách Nhật thường đi du lịch ngắn ngày nên họ chỉ lựa chọn một địa phương nhất định. Thế nhưng trong những năm qua, khách Nhật thường phải bay vòng qua Hà Nội hoặc phải quá cảnh ở sân bay Incheon (Hàn Quốc) nên không có cơ hội đến du lịch tại các tỉnh miền Trung. Vì vậy, đường bay mới này sẽ mở ra cơ hội cho ngành du lịch thành phố trong việc thu hút lượng lớn du khách đến từ xứ sở hoa anh đào cũng như tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư đi lại giữa hai nước”, ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng nhìn nhận.

Theo các hãng lữ hành chuyên khai thác khách Nhật đến Đà Nẵng nhận định, đường bay Narita - Đà Nẵng cùng với đường bay Haneda - Hà Nội (mới khai thác vào ngày 1-7) sẽ góp phần nối liền 3 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng với 4 thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo, Osaka, Fukuoka và Nagoya. Đặc biệt, việc khai thác sân bay Haneda song song với sân bay Narita (đều nằm ở Tokyo) sẽ tạo nên các sản phẩm bay thẳng đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của khách công vụ nhờ giờ bay hợp lý, đồng thời kết nối thuận tiện với các chuyến bay nội địa Nhật Bản.

Ông Trịnh Ngọc Thành, Phó Tổng giám đốc Thương mại của Vietnam Airlines cho biết: “Khách du lịch sẽ có thêm một lựa chọn mới với đường bay Đà Nẵng - Narita cho những chuyến du lịch đến miền Trung Việt Nam đầy hấp dẫn; qua đó góp phần đưa Đà Nẵng và các tỉnh miền Trung trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng lớn trong khu vực”. Với đường bay mới này, các nhà lữ hành dự báo, lượng khách Nhật đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng sẽ tăng 15-20%.

Tạo sản phẩm tốt cho du khách

Để khai thác hiệu quả và duy trì đường bay này, theo các hãng lữ hành, ngành du lịch thành phố cần đẩy mạnh công tác xúc tiến và quảng bá du lịch vì hiện nay khách Nhật ít có thông tin về Đà Nẵng. Để làm được điều này, theo Trung tâm Xúc tiến du lịch, Đà Nẵng cần phát huy hiệu quả của Văn phòng đại diện của Đà Nẵng tại Nhật Bản để giới thiệu cho người dân xứ sở hoa anh đào về đất nước và con người Việt Nam nói chung cũng như tiềm năng du lịch của Đà Nẵng nói riêng.

Đặc biệt, Đà Nẵng cần tăng cường hơn nữa việc liên kết với Hội An (tỉnh Quảng Nam) để phát triển sản phẩm du lịch biển, sản phẩm nghỉ dưỡng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như thị hiếu của khách Nhật. “Chúng ta phải phát triển sản phẩm du lịch gắn với biển và các khu nghỉ dưỡng cao cấp, vì đây là tiềm năng lớn của ngành du lịch thành phố. Để làm được điều này, cần tăng cường công tác quảng bá sang thị trường Nhật để du khách biết đến sản phẩm của chúng ta”, ông Dũng nói.

Song song với đó, việc nâng cao chất lượng cơ sở vật chất cũng như chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và nhân viên phục vụ nhà hàng, khách sạn cũng là việc làm cần kíp để Đà Nẵng “lấy lòng” du khách Nhật, tạo được thiện cảm để họ quay trở lại thành phố lần sau với việc chi tiêu cao hơn và nghỉ dưỡng dài ngày hơn. “Khách Nhật Bản sẵn sàng bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động mua sắm, ăn uống, tuy nhiên điều họ quan tâm lớn nhất vẫn là chất lượng sản phẩm tour và dịch vụ. Vì vậy, ngành du lịch thành phố phải tăng cường giữ vững môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để du khách có cái nhìn thiện chí về con người Đà Nẵng”, ông Bình cho hay.

Giao lưu văn hóa - ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản 2014

Trong 2 ngày 15 và 16-7, tại khu vực công viên Trung tâm Hành chính thành phố, Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng phối hợp với Chi hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng tổ chức Lễ hội giao lưu văn hóa - ẩm thực Việt Nam - Nhật Bản năm 2014 nhân sự kiện mở đường bay trực tiếp Đà Nẵng - Narita (Tokyo, Nhật Bản).

Đây là sự kiện ngoại giao văn hóa quan trọng, tiếp nối mối quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện Việt Nam - Nhật Bản, làm nền tảng phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai quốc gia. Thông qua lễ hội, các nhà tổ chức giới thiệu sâu rộng nét đẹp văn hóa - ẩm thực của hai quốc gia với nhiều hoạt động phong phú như: biểu diễn văn nghệ, võ thuật, thư pháp, trang phục truyền thống hai nước. Người dân và du khách khi đến với lễ hội sẽ được trải nghiệm văn hóa nghệ thuật Nhật Bản như: trà đạo, xếp giấy Origami, cắt giấy Kirigami, truyện tranh Manga - Anime… , mặc thử các bộ trang phục mùa hè của Nhật Bản (Yukata) để chụp hình lưu niệm và cảm nhận nét văn hóa thanh tao của con người Nhật Bản. Bên cạnh việc thưởng thức các món ăn truyền thống đặc trưng của hai nước, lễ hội còn cung cấp nhiều thông tin về hoạt động đầu tư, tuyển dụng của các doanh nghiệp Nhật Bản; thông tin về du học, du lịch Nhật Bản cho sinh viên, học sinh và người dân…

Được biết, tối 16-7, tại sân bay quốc tế Đà Nẵng sẽ diễn ra lễ đón đoàn khách đầu tiên trên chuyến bay thẳng từ Narita đến Đà Nẵng.

THU HÀ

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.