.

Xây "những cây cầu" cho thương hiệu du lịch Đà Nẵng

.

Sau gần 3 tháng triển khai, đề án “Phát triển thương hiệu du lịch Đà Nẵng” do Trung tâm Xúc tiến Du lịch thành phố hợp tác với Tổ chức Chuyên gia cao cấp của Hà Lan (PUM) và Trường Đại học Duy Tân thực hiện chính thức kết thúc vào chiều ngày 4-12. Đây sẽ là cơ sở cho một kế hoạch dài hạn và được sự đồng thuận cao từ cộng đồng du lịch.

Hướng đến thị trường khách quốc tế

Theo số liệu nghiên cứu của PUM, kể từ năm 2006 đến nay, lượng khách du lịch đến Đà Nẵng tăng mạnh, gấp 3 lần so với trước. Tuy nhiên, quy mô du lịch của Đà Nẵng vẫn còn nhỏ hơn so với nhiều nơi trên thế giới dù Đà Nẵng rất có tiềm năng. Sở dĩ như vậy, vì trong tổng số lượt khách đến Đà Nẵng những năm qua, 85% số khách là người Việt. Thị trường khách nội địa này đã đóng góp khoảng 60% nguồn thu nhập về du lịch cho thành phố, trở thành thị trường chính và trọng điểm. “Từ những cửa hàng, khách sạn, nhà hàng, giao thông cho đến các địa điểm du lịch hiện nay ở Đà Nẵng đều mang quy mô địa phương và dành cho người Việt. Liệu đã có một nơi mà chúng ta có thể gọi là trung tâm thành phố hay là quảng trường trung tâm thành phố đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách quốc tế chưa?”, ông Guillauma Van Grinvens, Chuyên gia cao cấp PUM, đặt vấn đề.

Theo đánh giá của nhiều nhà làm du lịch, khách quốc tế được xem là nguồn khách luôn mạnh tay chi tiêu vào các hoạt động du lịch và là “đại sứ” quảng bá cho hình ảnh du lịch của thành phố rất hiệu quả. Tổ chức PUM đưa ra số liệu thống kê cho thấy, khách nội địa đi du lịch MICE chỉ tiêu 25 USD/ngày/người, trong khi khách quốc tế đi du lịch MICE tiêu khoảng 100 USD/ngày, khách quốc tế chỉ đi du lịch lại tiêu đến hơn 300 USD/ngày. Việc khai thác thị trường khách quốc tế sẽ mang lại nguồn lợi rất lớn cho du lịch Đà Nẵng thế nhưng thành phố vẫn chưa là cái tên “hot” để lôi kéo lượng lớn du khách đến thành phố biển xinh đẹp này. Đà Nẵng vẫn nằm ở vị trí trung chuyển vì hầu hết du khách nước ngoài đều bỏ qua trong lựa chọn khi họ đi du lịch từ Huế đến Hội An và ngược lại.

Việc thiếu một sản phẩm du lịch đặc trưng, thiếu các công trình phục vụ du lịch tầm cỡ và đặc biệt như tháp Eiffel (Pháp), Pattaya (Thái Lan), núi Phú Sĩ (Nhật Bản)… đã khiến “cô gái” Đà Nẵng kém xinh hơn trong mắt khách nước ngoài. “Muốn thu hút được khách nước ngoài không chỉ có sản phẩm du lịch đặc trưng vùng, miền mà đòi hỏi chúng ta phải có những công trình quy mô lớn, một trung tâm tổ chức sự kiện với sức chứa hàng nghìn người. Đà Nẵng có những cây cầu, có bãi biển đẹp thế nhưng những sản phẩm này vẫn chưa mang sắc màu hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng để làm nên thương hiệu riêng”, ông Louk Lennaerts, đại diện Resort Fusion Maia, nhìn nhận.

“Có tất cả” nhưng “không đủ đặc biệt”

Khi hỏi những người làm du lịch và người dân Đà Nẵng về những nhân tố cốt lõi của du lịch Đà Nẵng, ông Guillauma Van Grinvens đều nhận được câu trả lời luôn là thức ăn, biển, núi, thậm chí là có người tự hào “chúng tôi có tất cả”. Thế nhưng, theo ông Van Grinvens, Đà Nẵng có tất cả nhưng vẫn chưa có gì đủ đặc biệt để nổi trội hơn so với các địa phương khác. Việc xây dựng thương hiệu du lịch ở Đà Nẵng theo nhiều chuyên gia đánh giá không phải chỉ là một câu slogan hay một logo mà thành phố phải có nhân tố cốt lõi, đó chính là con người. “Người Đà Nẵng rất tử tế, thân thiện và tốt bụng. Bên cạnh đó thì Đà Nẵng cũng nổi tiếng với những cây cầu. Điều này có nghĩa là chất lượng và đặc điểm cốt lõi của Đà Nẵng có thể được mô tả như những con người xây những cây cầu”, ông Guillauma Van Grinvens nêu ý tưởng.

Những cây cầu mà ông Guillauma Van Grinvens đưa ra là cây cầu văn hóa, cây cầu học vấn, cây cầu tình bạn, cây cầu hợp tác, cây cầu “xanh”…, trong đó lấy con người là nhân tố cốt lõi để xây dựng nên thương hiệu cho du lịch Đà Nẵng. “Thương hiệu phải nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo, những người làm du lịch và cả người dân Đà Nẵng. Chỉ khi nào chúng ta liên kết và đồng lòng với nhau mới có thể đưa hình ảnh du lịch thành phố đến có sức hấp dẫn hơn trong mắt bạn bè quốc tế”, PGS, TS, Nguyễn Ngọc Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, đúc kết.

Để xây dựng những cây cầu phát triển cho thương hiệu du lịch Đà Nẵng, các chuyên gia cho rằng, thành phố cần phải xây dựng được nền móng vững chắc bằng việc đưa ra con số cụ thể về nghiên cứu du lịch để các nhà đầu tư yên tâm “đổ tiền” vào các dự án khi nắm được số liệu rõ ràng.

HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.